Nhiều người tin rằng nhận được tờ giấy vàng trên đó có đóng dấu đỏ, được gọi là ấn đền Trần, thì sẽ được làm quan. Đó hoàn toàn là những điều mê lầm, không thật.
Nhà Trần khởi nghiệp từ đất Thái Bình, Nam Định. Mặc dù làm vua ở kinh thành Thăng Long nhưng họ Trần vẫn xây hành cung ở Nam Định. Sau ngày cúng ông Táo 23 tháng Chạp hằng năm, triều đình nhà Trần về Nam Định ăn Tết. Vì vậy trước khi đi, triều đình làm vệ sinh ấn để niêm phong lại và mang theo về Nam Định. Ăn rằm tháng Giêng xong, cả triều đình lại về Thăng Long bắt đầu một năm làm việc mới. Vì lẽ ấy mà vào đêm 14 tháng Giêng hằng năm, các chiếc ấn được niêm phong trước Tết lại được đưa ra lau chùi sạch sẽ để bắt đầu cho một năm làm việc mới.
Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng: Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung xin chồng là Thái sư Trần Thủ Độ cho một người trong họ làm một chức quan nhỏ và thái sư đồng ý. Khi xét duyệt, gọi đến tên thì người ấy vui mừng chạy lại. Thái sư nói: Ngươi vì có công chúa gửi gắm, vì vậy không thể so sánh với những người khác nên phải chặt một vài ngón chân để phân biệt với những người có tài năng thi cử đàng hoàng. Người ấy sợ hãi xin tha nên từ đó không còn ai dám nhờ vả việc riêng nữa.
Các sách sử chỉ chép một lần duy nhất nhà Trần tổ chức luận công ban thưởng cho các tướng sĩ, đó là vào tháng 4-1289, triều đình tổ chức luận công ban thưởng cho những người đã có công lao chống giặc, bảo vệ đất nước. Khi ban thưởng xong có người vẫn còn thắc mắc, Thượng hoàng Thánh Tông đã dụ rằng nếu các khanh biết chắc là giặc Hồ (chỉ giặc Nguyên) sẽ không vào cướp nữa thì nói rõ cho trẫm biết, dù có thăng đến cực phẩm trẫm cũng không tiếc. Nếu không thế mà đã vội thưởng hậu, nhất vạn giặc Hồ trở lại và các khanh lại lập công nữa thì trẫm lấy gì mà thưởng để khuyến khích thiên hạ! Thế đấy, dù các tướng có công lao rất lớn nhưng không vì thế mà triều đình ta ban thưởng bừa bãi đâu.
Khi Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng và lên Yên Tử đi tu, một lần ngài về lại kinh thành Thăng Long và hỏi con là Trần Anh Tông xem trị vì đất nước thế nào. Khi coi đến cuốn sổ quan lại của triều đình, chỉ mấy năm cầm quyền mà vua con đã phong nhiều quan quá, thượng hoàng vô cùng giận dữ, ném cuốn sổ này ra trước sân và hét lên: “Đất nước bé bằng bàn tay, quan nhiều như thế, dân làm sao sống nổi!”.
Mấy trăm năm sau triều Trần, dưới thời nhà Mạc, vào năm 1561, Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toản của nhà Mạc đã sáng lập ra lễ hội Minh thề tại Kiến Thụy (Hải Phòng) với lời thề lấy chí công làm trọng, không xâm phạm của công. Sau đó hằng năm, cứ ngày 14 tháng Giêng, các quan của triều đình đều tề tựu đông đủ về đó để thề rằng: “Nếu lấy của công làm việc công thì được các thần linh ủng hộ. Nhược bằng, có lòng tham, lấy của công làm của tư, nguyện cầu các chư vị thần linh đả tử! Y như lời thề… Người nào tà tâm trộm cắp của nhau, nguyện cầu thần linh đả tử. Y như lời thề… Ai dùng của công xây dựng việc công, xin thần linh ủng hộ, ngược lại người lấy của công về làm của tư, xin thần linh đả tử..., làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, xin thần linh tru diệt…”.
Như trên đã phân tích, triều Trần không và chưa bao giờ có việc ban phát quan lại dễ dàng và cẩu thả như việc phát ấn và tranh cướp ấn ở đền Trần như hiện nay. Nếu có người ủng hộ và cổ súy cho việc phát ấn này, tôi đề nghị trên tờ giấy đóng ấn triện ấy phải ghi rõ những lời thề mà các quan đã thề ở lễ hội Minh thề phía sau mặt giấy. Đến khi ấy, đảm bảo rằng lễ hội phát ấn đền Trần sẽ lại vắng ngắt cho coi.