CHỦ TỊCH TRUNG QUỐC TẬP CẬN BÌNH PHÁT BIỂU TRƯỚC QUỐC HỘI VIỆT NAM

Phát biểu và đáp từ đều được cân nhắc

Về chuyến thăm của Chủ tịch nước – Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam, bắt đầu tư 5-11, phía Ban Đối ngoại Đảng Cộng sản và Bộ Ngoại giao nước này đã họp báo công bố chi tiết trường trình làm việc, trong đó lần đầu tiên ông Tập Cận Bình sẽ phát biểu trước QH Việt Nam.

Để tìm hiểu thêm sự kiện này, Pháp Luật TP.HCM đã phỏng vấn ôngHà Huy Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội (QH).

Là hình thức gửi thông điệp tới người dân Việt Nam

. Quan hệ Việt-Trung là rất đặc biệt. Láng giềng, tương đồng về chế độ chính trị nhưng lại có quá khứ xung đột và hiện vẫn còn tranh chấp chủ quyền trên biển Đông. Vậy theo ông, ông Tập sẽ phát biểu gì và phía Việt Nam (VN) sẽ tiếp đón thế nào?

+ Về phía Đảng, Nhà nước ta thì đây là chuyến thăm theo lời mời của tổng bí thư và chủ tịch nước. Hồi tháng 4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc (TQ) đã được tiếp đón trọng thị. Tôi nghĩ đến chuyến thăm này của ông Tập Cận Bình phía VN cũng trọng thị thôi.

Còn phát biểu như thế nào và đáp từ ra sao thì giờ này đôi bên chắc vẫn đang tích cực chuẩn bị. Phía TQ sẽ phải cân nhắc rất kỹ lưỡng vì phát biểu ấy không chỉ trong hội đàm, trao đổi riêng giữa lãnh đạo hai nước mà là trước QH, tức là trước nhân dân VN. Còn đáp từ của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng thế nào thì chắc chắn cũng phải phản ánh được tiếng nói đa dạng của cử tri.

Nói chung những việc hệ trọng thế này thì từng chi tiết trong lễ nghi, tiếp đón, phát biểu đều phải được đôi bên chuẩn bị, bàn bạc, thống nhất.

. Tuần trước, nguồn tin ngoại giao trong nước cho biết phần phát biểu của ông Tập Cận Bình trước QH lúc thì đưa vào, lúc lại rút ra khỏi chương trình chính thức. Tuần này, khi ta chưa có thông tin chính thức thì phía TQ đã họp báo công bố chi tiết...

+ Tôi nghĩ hoạt động đối ngoại của nguyên thủ phải được chuẩn bị rất kỹ. Chương trình phát sinh, đôi bên vui vẻ thì không sao chứ có trong chương trình rồi lại rút, không thực hiện thì rất dở.

Với chuyến thăm của Chủ tịch nước, Tổng Bí thư đảng Cộng sản TQ Tập Cận Bình thì ngoài các hoạt động truyền thống như tổng bí thư, Chủ tịch nước ta đón tiếp, làm việc với Thủ tướng Chính phủ, với cá nhân chủ tịch QH ta... ông Tập Cận Bình còn muốn được phát biểu trước QH để thông qua đó gửi thông điệp tới người dân VN. Bởi những gì phát biểu trước QH là công khai chứ không phải chỉ mang tính nội bộ, đối ngoại giữa hai đảng Cộng sản, hay giữa hai nhà nước.

. Công tác nhiều năm trong ngành ngoại giao, theo ông việc ông Tập Cận Bình phát biểu trước QH mang lại lợi ích gì cho ta?

+ Với phía TQ thì họ có cơ hội làm rõ lập trường, quan điểm của mình trong quan hệ với VN và quan trọng nhất là được nói trực tiếp với các đại biểu QH, qua đó truyền tải tới cử tri.

Những phát biểu, lời nói ở tầm nguyên thủ như thế mà lại trước đông đảo những nghị sĩ do nhân dân VN bầu ra thì giá trị biểu tượng, ràng buộc hơn so với các thỏa thuận giữa hai đảng, hai nhà nước. Và đây là một cách thú vị để nói với QH, với người dân về quan hệ Việt-Trung.

Tăng cường gặp gỡ, trao đổi không chỉ cấp cao với nhau mà còn với QH, với người dân hai nước, lại thu hẹp được bất đồng thì đấy là điều tốt, mang lại lợi ích cho cả hai bên.

 
Tổng Bí thư-Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại lễ đường nhân dân (Trung Quốc) ngày 7-4-2015. Ảnh: TTXVN

Lợi ích của ngoại giao nghị viện

. Hình như chưa có nguyên thủ nước ngoài nào phát biểu trước QH ta, thưa ông?

+ Những nhiệm kỳ gần đây thì tôi chưa nghe thấy nguyên thủ nước ngoài nào phát biểu ở QH cả. Nhưng vừa rồi Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon trong chuyến thăm VN theo lời mời của Chủ tịch nước, vào đúng lúc QH đang họp có phát biểu trước QH và Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng có đáp từ.

Ta chủ trương đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, tham gia tích cực vào sinh hoạt quốc tế nên đôi bên thống nhất việc mời ông tổng thư ký LHQ phát biểu trước QH.

. Vậy có thể hiểu việc này mở ra tiền lệ để nguyên thủ nước ngoài có thể phát biểu trước QH ta?

+ Theo tôi biết, trước đây đã có nguyên thủ một số nước thăm ta đúng dịp họp QH, có thăm dò khả năng phát biểu trước QH. Nhưng hồi đấy QH chưa có cơ ngơi, hội trường riêng, ta lại chưa có tiền lệ nên thôi. Tới ông Ban Ki-moon, người có vị trí rất đặc biệt nên rất thuận lợi cho việc mở ra tiền lệ cho việc nguyên thủ nước ngoài phát biểu trước QH.

Ngoại giao kênh nghị viện nước ngoài làm nhiều rồi. Ta thì còn khá mới mẻ. Nhưng đây là kênh rất hay để tăng cường quan hệ, giao lưu quốc tế. Thăm QH và cao hơn nữa là phát biểu trước toàn thể QH vừa tăng cường hữu nghị, hiểu biết giữa hai nhà nước và với nhân dân nước sở tại nữa.

. Thưa ông, có nghĩa là tới đây các nguyên thủ quốc gia đến thăm VN đúng lúc QH họp sẽ có cơ hội phát biểu trước QH?

+ QH đang tăng cường ngoại giao nghị viện, tức không chỉ với QH các nước mà với cả các kênh nhà nước khác. Nhưng nguyên thủ nào sẽ phát biểu trước QH thì còn tùy hoàn cảnh, nhu cầu đôi bên. Đối tác dù rất quý, rất tin cậy, mà thăm lúc QH không họp thì sao phát biểu được. Còn nếu họ đến đúng lúc QH họp thì còn tùy họ có mong muốn không và ta thấy có ích lợi gì không.

. Xin cám ơn ông.

Nguyên thủ nước ngoài phát biểu trước QH là truyền thông điệp đó không chỉ tới QH với tính chất thiết chế nhà nước, mà là qua đại biểu QH truyền thông điệp tới cử tri nước sở tại. Việc này mỗi nước có một quy định, cách làm khác nhau.

Tại Mỹ, việc một nguyên thủ quốc gia phát biểu trước QH được tính toán rất kỹ: Phát biểu trước cả Thượng viện, Hạ viện hay chỉ một; phát biểu về vấn đề gì; động đến những vấn đề mà trong QH còn ý kiến khác nhau thì sao; đáp từ thế nào, nghị sĩ có thể trao đổi, đối thoại trực tiếp không; với tư cách đại biểu QH hay đại diện người dân...

Tôi nghĩ việc chủ tịch nước, tổng bí thư đảng Cộng sản TQ phát biểu trước QH là dịp để tăng cường giao lưu, hiểu biết lẫn nhau; là cơ hội để người đứng đầu đảng, nhà nước TQ chia sẻ với cử tri VN. Như thế không chỉ có lợi cho quan hệ hai nước mà còn có ý nghĩa với hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế.

Phát biểu trước QH chỉ là một trong nhiều nội dung hoạt động của ông Tập Cận Bình cũng như phần tiếp đón của VN. Theo tôi biết, trong chuyến thăm này hai bên sẽ ký kết nhiều nội dung, tất cả đều nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai quốc gia, mang lại lợi ích cho đôi bên.

Ông HÀ HUY THÔNG,
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm