Phát hiện 2 mật thất 4.500 năm tuổi tại Ai Cập

Các chuyên gia đã khẳng định về sự tồn tại của hai căn phòng bí ẩn này vào ngày 15-10. Họ đã sử dụng thiết bị chụp X-quang để rà quét qua di tích ngàn năm tuổi này.

Trước đó, hôm 13-10, Bộ Di tích cổ Ai Cập đã thông báo tìm thấy "hai căn phòng bất thường" trong kim tự tháp được xây dựng cách đây 4.500 năm dưới thời Pharaoh Khufu. Họ cho biết đang tiến hành kiểm tra thêm để xác định chức năng, kích thước cũng như vai trò của hai căn hầm này.


Ảnh mô hình 3D Đại kim tự tháo Giza cho thấy các căn hầm ẩn bên trong. Ngày 15-10, các chuyên gia khẳng định có hai căn hầm bí ấn trong kim tự tháp sau khi sử dụng máy quét tia X-quang. Ảnh: DAILY MAIL

Đại kim tự tháp Giza (còn gọi là Kim tự tháp Khufu) cao 146 m được đặt theo tên con trai của Pharaoh Snefru, được coi là một trong bảy kỳ quan của thế giới cổ đại. Kim tự tháp Giza vốn được biết đến có ba căn hầm và cũng giống như các kim tự tháp khác ở Ai Cập, được xem là ngôi mộ của các vị vua Ai Cập.

"Hiện chúng tôi có thể khẳng định có một 'khoảng trống' ẩn sau mặt phía bắc của kim tự tháp. Nó có hình dáng ít nhất bằng một hành lang bên trong Đại kim tự tháp”, các nhà khoa học thuộc dự án "Chiến dịch rà quét kim tự tháp" cho biết. Một mật thất khác cũng được phát hiện ở phía đông bắc của kim tự tháp, các nhà nghiên cứu đang sử dụng phương pháp chụp X-quang và dựng lại 3D để nghiên cứu.


Nhóm nghiên cứu ScanPyramids vẫn đang thu dữ liệu bên trong căn hầm vợ của vua Khufu. Ảnh: DAILY MAIL

"Khoảng trống này có hình dáng như một hành lang và có thể dẫn vào bên trong kim tự tháp", Mehdi Tayoubi, người sáng lập Viện Bảo tồn Di sản tại Paris nói với tờ Seeker. Ông cho biết hiện tại không thấy giữa hai căn hầm này có liên kết gì với nhau.

Dự án "Operation Scan Pyramids" bắt đầu vào tháng 10-2015 nhằm tìm kiếm những căn hầm còn nằm ẩn bên trong kim tự tháp Khufu và Khafre thuộc Đại kim tự tháp Giza. Dự án cũng nghiên cứu cả kim tự tháp Đỏ ở Dahshur. Tất cả đều nằm ở phía nam Cairo, thủ đô Ai Cập.

Dự án này kết hợp các công nghệ như máy ghi nhiệt độ bằng tia hồng ngoại, hình ảnh chụp X-quang bằng hạt phóng xạ  muon và kỹ thuật tát lập hình ảnh 3D. Các nhà nghiên cứu đều khẳng định những kỹ thuật này không gây hại gì cho di tích cổ.


Hình ảnh 3D cho thấy căn hầm bên trong Kim tự tháp Bent 4.600 năm tuổi, ngoài ra còn để lộ hình dáng căn hầm thứ hai cao 18 m phía bên trên. Ảnh: DAILY MAIL

Hạt muon cũng "tương tự như tia X-quang có thể xâm nhập vào cơ thể và ghi lại hình ảnh xương, nó cũng có thể đi qua hàng trăm mét đá trước khi được hấp thụ", phía dự án giải thích. "Thiết bị dò được đặt rất thận trọng, cụ thể như bên trong kim tự tháp hoặc bên dưới một căn hầm nào đó. Sau đó, thiết bị có thể ghi lại đường đi của các hạt nguyên tử và phân biệt được các khoảng trống từ các khu vực dày đặc hơn".

Trong tháng 5-2016, các nhà khảo cổ đã công bố sử dụng máy quét 3D chụp bằng hạt phóng xạ muon tại Kim tự tháp Bent 4.500 năm tuổi, nằm tại các nghĩa địa hoàng gia của Dashur. Lần quét này tiết lộ cấu trúc bên trong của kim tự tháp cho thấy rõ có một căn hầm thứ hai cao khoảng 18 m, nằm bên trên một căn hầm thấp hơn. "Đây là lần đầu tiên, các phân tử hạt phóng xạ muon hé lộ được cấu trúc bên trong của một kim tự tháp", Mehdi Tayoubi trả lời kênh Discovery vào thời điểm đó.

Trước đó, một số người đã dự đoán rằng vua Sneferu được chôn cất trong một căn hầm bí mật bên trong kim tự tháp nhưng chiến dịch quét 3D mới nhất đã loại trừ khả năng này.

Vào cuối năm 2015, Ai Cập bắt đầu quét radar lăng mộ của vua Tutankhamun tại "Thung lũng các vị vua" ở miền Nam Ai Cập, sau khi một nhà khảo cổ học người Anh đưa ra giả thuyết rằng nữ hoàng Ai Cập Nefertiti có thể được chôn cất trong một căn hầm bí mật ở đó.

Nicholas Reeves cũng cho rằng ngôi mộ của vua Tutankhamun thực tế là của nữ hoàng Nefertiti. Khi vị vua trẻ tuổi bất ngờ qua đời, ngài được đưa vào căn hầm bên ngoài mộ của nữ hoàng. Nhưng các nhà nghiên cứu Ai Cập cổ đại có những ý kiến bất đồng về việc liệu có một căn hầm bí mật trong ngôi mộ hay không.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới