Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) hôm 5-11 cho biết loại khí gây chết người này, lần đầu tiên được sử dụng trong Thế chiến I, đã được sử dụng tại thị trấn Marea - một "điểm nóng" nằm ở phía bắc tỉnh Aleppo hôm 21-8.
Vào thời điểm đó, phe đối lập - chiến đấu để lật đổ chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad - đã có cuộc giao tranh với các chiến binh Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
"Đây là lần đầu tiên chúng tôi xác nhận việc sử dụng khí mù tạt tại Syria. Chúng tôi đã xác nhận sự thật nhưng chưa xác định được nhóm nào chịu trách nhiệm cho việc sử dụng loại khí này" - AFP dẫn một nguồn tin giấu tên nói.
Hàng chục ngàn thường dân và các chiến binh đã thiệt mạng kể từ khi cuộc nội chiến nổ ra tại Syria hồi năm 2011. (Ảnh: Aljazeera)
Việc sử dụng khí mù tạt và các vũ khí hóa học khác trong chiến tranh đã bị cấm vào năm 1925. Sau đó, việc sản xuất và tàng trữ những chất này cũng bị cấm, theo như Hiệp định Vũ khí hóa học năm 1993.
Hồi cuối tháng 8, quân nổi dậy Syria và các nhóm cứu trợ cho biết hàng chục người đã bị ảnh hưởng bởi một cuộc tấn công hóa học ở Marea. IS đã tìm cách đánh chiếm thị trấn này và thành trì của phe đối lập trong nhiều tháng. Đây là một phần kế hoạch của IS để đánh chiếm phần lớn lãnh thổ Syria và Iraq.
Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) cho biết họ đã điều trị cho bốn thường dân từ một gia đình. Các nạn nhân tại một bệnh viện của MSF cho biết "khí màu vàng lắp đầy nhà" họ sau một vụ nổ.
Theo MSF, hơn 25 thường dân bị ảnh hưởng, khó thở cũng như kích ứng da. Được phát hiện đầu tiên vào năm 1822, khí mù tạt rất dễ gây chết người. Chúng có thể gây bỏng da, tổn hại cho mắt và đường hô hấp.
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã nhất trí thông qua một nghị quyết hồi tháng 8 về việc tiến hành một cuộc điều tra chung để xác định ai đứng đằng sau các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học ở Syria, chủ yếu từ khí clo.