Từ lâu, các nhà khoa học đã tin rằng Homo sapiens (người hiện đại) đã rời châu Phi khoảng 100.000 năm trước. Tuy nhiên, các nhà khoa học vừa mới khai quật được một mẩu hóa thạch mới có tên Misliya trong một hang động bị sập ở Israel. Theo đó, mẩu hóa thạch này có thể có 175.000 đến 200.000 năm tuổi. Cho đến nay, đây là bằng chứng lâu đời nhất về con người hiện đại được phát hiện bên ngoài châu Phi.
Hóa thạch mới vừa được phát hiện ở Israel, có thể khiến giới khoa học viết lại lịch sử loài người. Ảnh: AP
Phát hiện này được đăng trên tạp chí Khoa học, đưa ra bằng chứng vật lý đầu tiên cho thấy Homo sapiens đã di cư ra khỏi châu Phi sớm hơn hàng chục ngàn năm so với những gì mà các nhà nhân chủng học từng phát hiện trước đây.
Israel Hershkovitz, giáo sư nhân chủng học tại ĐH Tel Aviv, Israel, người đứng đầu công trình nghiên cứu này cho biết: "Trong hơn 50 năm, hầu hết các nhà nhân học cho rằng con người hiện đại đã rời châu Phi cách đây khoảng 100.000 năm. Nhưng phát hiện lần này của chúng tôi đã thay đổi toàn bộ khái niệm về sự tiến hóa của con người hiện đại".
Theo Rick Potts, một nhà cổ sinh vật học và cũng là người đứng đầu chương trình "Nguồn gốc loài người" tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Smithsonian cho biết phát hiện mới nhất này đã hỗ trợ cho một số lượng lớn các bằng chứng hóa thạch và di truyền cho thấy loài người đã thực hiện một số chuyến đi ngắn ra khỏi châu Phi trước khi tan rã trên toàn cầu, khoảng 70.000 năm trước đây.
Được biết mẩu hóa thạch này được phát hiện nằm trong một lớp trầm tích tại một điểm khảo cổ thuộc một hang động lâu đời gọi là Cave Misliya ở miền Bắc Israel, khoảng 11 km về phía nam của Haifa.
Hóa thạch mới phát hiện này gồm một phần xương hàm dưới, với tám chiếc răng còn lại. Nó cũng bao gồm một phần xương má, mái vòm miệng và phần dưới của khoang mũi. Rất có thể đây là xương của một người trưởng thành, còn trẻ, tuy nhiên chưa rõ được giới tính.
Hang động nơi phát hiện ra mẩu hóa thạch. Ảnh: Haifa University
Để đưa ra những kết quá đáng tin cây trên, các nhà nghiên cứu đã sử dụng một số kỹ thuật xác định ngày để có được tuổi chính xác của mẫu vật và phân tích nó bằng cách sử dụng các mô hình quét microCT và các mô hình ảo 3D để so sánh nó với các hóa thạch khác của con người từ khắp nơi trên thế giới.
GS Quam cho hay: "Trong khi tất cả chi tiết giải phẫu của hóa thạch Misliya đều hoàn toàn phù hợp với con người hiện đại, một số đặc điểm cũng được tìm thấy trong Neandertals và các nhóm người khác. Một trong những thách thức trong nghiên cứu này là xác định các đặc điểm của Misliya chỉ được tìm thấy trong con người hiện đại. Đây là những đặc điểm cung cấp tín hiệu rõ nhất về việc hóa thạch Misliya đại diện cho loài nào."
Theo các nhà khoa học, rất có thể đây là nơi ẩn náu của một nhóm người thời đó. Do bởi, ngoài hóa thạch tìm được, các nhà khảo cổ còn tìm thấy nhiều hòn đá gần đó được mài dũa một cách tinh vi theo một kỹ thuật cổ đại gọi là Levallois. Đây là kỹ thuật mà người cổ xưa dùng để mài các mảnh đá thành các công cụ, dụng cụ để săn bắn hoặc phục vụ đời sống hằng ngày.
Trước đây, những hóa thạch cổ xưa nhất của người hiện đại đã được tìm thấy bên ngoài châu Phi đều có niên đại từ 90.000-120.000 năm tuổi, cũng tại Israel. Thế nên căn cứ vào đánh giá niên đại của hóa thạch xương hàm mới nhất, có thể thấy niên đại của nó sớm hơn các hóa thạch tìm thấy trước đó từ 50.000 đến 100.000 năm.
Nhưng từ phát hiện mới nhất này, các nhà khoa học có thể nhận biết rõ hơn về thời gian và các tuyến đường di cư ra khỏi châu Phi. Đây là điều cốt yếu để hiểu về sự tiến hóa của loài người hiện đại. Các nhà nghiên cứu hy vọng rằng phát hiện mới này sẽ giúp làm sáng tỏ sự di chuyển của những con người đầu tiên thông qua Trung Đông.