Phát hiện loài báo 100 năm mới ló dạng ở châu Phi

Nhà khoa học Nick Pilprint, người chuyên nghiên cứu và bảo tồn các loài động vật thuộc Sở thú San Diego (Mỹ) và nhóm của ông đã theo dõi và quyết tâm tìm kiếm con thú hiếm hoi này nhiều tháng qua.

Sự kiên trì của ông được đền đáp khi nhà khoa học này cuối cùng đã quay được khoảnh khắc con vật xuất hiện tại Trại hoang dã Laikipia ở hạt Laikipia, Kenya, theo đài CNN.

Đây là loài báo hoa mai đột biến, bị nhiễm hắc tố Melanism siêu hiếm gặp. Ảnh: GETTY

Đầu năm ngoái, sau khi nghe báo cáo về sự xuất hiện của một con báo đen, ông Pilprint và các cộng sự đã đặt hàng loạt máy ảnh từ xa gần khu bảo tồn và ông đã thành công.

Hình ảnh mới nhất về con báo đã được đăng tải trên Tạp chí Sinh thái châu Phi. Loài báo này xuất hiện lần cuối cùng vào năm 1909 tại Ethiopia.

Đây là một giống báo hoa mai đột biến bị nhiễm hắc tố Melanism siêu hiếm gặp. Điều này khiến con vật có một bộ lông đen tuyền vào ban ngày, nhưng nếu vào ban đêm, bộ lông con vật sẽ có vân hoa hồng của loài báo hoa mai.

Ban ngày con vật sẽ có màu lông đen tuyền và màu đốm hoa hồng khi xuất hiện dưới ánh đèn hồng ngoại. Ảnh: GETTY

Con vật được camera ghi hình vào các ngày 16 và 28-2, ngày 11 và 15-3 và ngày 14-4-2018 tại năm địa điểm khác nhau.

Bốn trong số các lần xuất hiện nói trên là vào ban đêm. Đó là một con báo cái chưa trưởng thành. Riêng ban ngày, con báo cái này đi cùng một con báo hoa mai khác lớn hơn có màu lông bình thường, nhiều khả năng là bố hoặc mẹ nó.

Có 9 phân loài báo hoa mai phân bố từ châu Phi đến phía đông nước Nga và khoảng 11% báo hoa mai còn sống hiện nay được cho là nhiễm hắc tố Melanism, nhưng phần lớn tập trung ở Đông Nam Á, nơi những khu rừng nhiệt đới cung cấp nhiều bóng râm.

Vậy nên, việc báo hoa mai nhiễm sắc thể xuất hiện ở Kenya là điều cực kỳ hiếm có.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm