Thi thể của đứa bé 10 tuổi được khai quật tại một nghĩa trang dành cho những đứa trẻ qua đời vì bệnh tật ở Rome, Ý. Bộ xương được phát hiện cùng với vô số móng quạ và vạc đồng. Điều khiến các nhà khoa học sửng sốt nằm ở chỗ có một hòn đá lớn được nhét vào bên trong miệng của đứa trẻ theo như cách được lưu truyền để chế ngự ma cà rồng.
Nhà khảo cổ học, GS David Storen tại ĐH Arizona nhận định: “Tôi chưa thấy một phát hiện nào kỳ dị đến thế!”. Còn nghiên cứu sinh Jordan Wilson, một trong những thành viên của đoàn khảo cổ, cho biết: “Tục mai táng kỳ lạ này rất hiếm xuất hiện trong các nền văn hóa cổ đại, đặc biệt là đế chế La Mã. Nó xuất phát từ mối lo ngại người chết sẽ sống dậy và lan truyền bệnh dịch cho người sống”.
Hòn đá được tìm thấy trong hàm đứa bé. Ảnh: Standford University
Các nhà nghiên cứu cho biết người ta đã dùng lực tác động, đưa hòn đá vào bên trong hàm đứa bé. Mặc dù không thể xác định giới tính nhưng những xét nghiệm về bộ xương được mệnh danh “ma cà rồng của Lugnano” tiết lộ rằng đứa trẻ đã bị nhiễm sốt rét trong thời kỳ đại dịch bùng nổ ở La Mã. Hình thức chôn cất mang màu sắc kỳ bí này sẽ ngăn cản việc đứa bé sống lại và gieo rắc bệnh dịch cho dương thế.
Đây là lần đầu tiên một bộ hài cốt trẻ em được phát hiện với đá trong miệng. Những ngôi mộ tương tự từng được tìm thấy nhưng ở nơi khác, gồm một ngôi mộ ở Venice chôn cất một thiếu nữ 16 tuổi được gọi là “ma cà rồng Venice” với gạch trong miệng, được phát hiện năm 2009.
Năm 2007, hài cốt một người đàn ông có niên đại từ thế kỷ 3-4 cũng được tìm thấy ở Northampton, Anh với lưỡi bị lấy ra và thay vào đó là một hòn đá.
Vào năm 2012, ở Bulgaria, các nhà khảo cổ cũng phát hiện bộ xương của một người đàn ông được chôn cất theo hình thức này. Thi thể bị ghim chặt xuống nền đất để giữ ông ta ở lại với thế giới bên kia.