Ngày 30-10, tin từ UBND tỉnh Bình Thuận cho biết ông Lê Tuấn Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đã ký văn bản gửi Thanh tra tỉnh Bình Thuận, Sở TN&MT, SởTài chính và UBND huyện Hàm Thuận Bắc.
Theo đó, giao Sở TN&MT phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan có biện pháp ngăn chặn, xử lý đối với trường hợp “lách luật” chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa để chuyển nhượng đất để nộp tiền rất thấp và nộp tiền ngay sau khi cho ghi nợ tiền sử dụng đất để được giảm, dẫn đến thất thu ngân sách.
Trước đó, Thanh tra tỉnh Bình Thuận đã có kết luận thanh tra về đất đai trên địa bàn Hàm Thuận Bắc. Cụ thể, trong hai năm 2017-2018 có 17 trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở, sau đó xây dựng hạ tầng, phân lô bán nền tại các xã Hàm Thắng, Hàm Liêm và Hàm Hiệp.
Kiểm tra nhiều trường hợp xin chuyển mục đích đất, các thửa đất đều không có đường đi hoặc đường đi rất nhỏ 1-1,5 m. Các hồ sơ này được Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Hàm Thuận Bắc xác định ở vị trí 5 rất thấp rồi trừ cho vị trí đất nông nghiệp ở vị trí 2 rất cao. Sau đó chuyển các thông tin này cho cơ quan thuế thu tiền chênh lệch.
Một khu dân cư mới hình thành tại Hàm Thắng.
Tiếp đến, các trường hợp này đều làm đơn xin hiến đất rồi thỏa thuận các chủ sử dụng đất phía trước liền kề chừa đất để làm đường bê tông rộng 4-5 m đi vào khu đất. Sau đó phân lô, bán nền hình thành những khu dân cư mới.
Theo Thanh tra tỉnh Bình Thuận, đây là hành vi “lách luật” để nộp tiền sử dụng đất thấp nhưng Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Hàm Thuận Bắc không kịp thời phát hiện để có biện pháp ngăn chặn, hoặc đề xuất cơ quan thẩm quyền có biện pháp xử lý.
Tại xã Hàm Thắng có ba trường hợp tự ý xây dựng hạ tầng khu dân cư không phù hợp với quy hoạch, xây dựng. Cụ thể, ông Nguyễn Trọng Hiếu ở TP Phan Thiết chưa được cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nhưng đã làm các con đường trải nhựa có chiều rộng 5-6 m; bà Nguyễn Thị Thanh Hoa (ngụ Phan Thiết) chuyển mục đích từ đất nông nghiệp sang đất ở gần 4.000 m2, đã đầu tư đường bê tông rộng 4 m, hệ thống cấp thoát nước, lắp đặt trụ điện không phù hợp với xây dựng.
Đặc biệt nhất là trường hợp của ông Vũ Công Khiêm (ngụ Phan Thiết) có diện tích hơn 2.000 m2, tự ý xây dựng đường, điện, hệ thống thoát nước. Ông Khiêm phân lô, bán nền và một số hộ dân đã chuyển nhượng xây dựng nhà ở trên phần đất đã được quy hoạch là công viên cây xanh. Một cán bộ thanh tra cho rằng hành vi của các trường hợp này rất giống với kiểu kinh doanh của Công ty Địa ốc Alibaba.
Ngoài ra, có 36 trường hợp sau khi có thông báo nộp tiền sử dụng đất gần 15 tỉ đồng thì làm đơn xin ghi nợ với lý do gia cảnh khó khăn. Tuy nhiên, sau khi có thông báo ghi nợ, các cá nhân này lập tức đến nộp tiền và được giảm tiền gần 10% so với số tiền thông báo nộp ban đầu.
Qua kiểm tra, các trường hợp này đều không phải diện khó khăn về tài chính mà đều là người kinh doanh bất động sản. Năm trường hợp này đều phân lô, bán nền và đã chuyển nhượng hết. Trong đó có ông Bùi Trung Kiên chuyển mục đích, chuyển nhượng gần 7.000 m2 đất, sau đó hợp thửa, tách thửa thành 63 lô và đã chuyển nhượng hết.
Được biết tỉnh Bình Thuận đã yêu cầu huyện Hàm Thuận Bắc chỉ đạo xử lý các trường hợp tự ý xây dựng hạ tầng hình thành khu dân cư mới không phù hợp quy hoạch xây dựng theo đúng quy định pháp luật. Giao Sở Xây dựng chủ trì rà soát quy hoạch xây dựng khu vực bắc kênh thoát lũ Phan Thiết - Hàm Thuận Bắc, đối chiếu các quy định liên quan, tham mưu tỉnh xử lý các trường hợp tự ý xây dựng hạ tầng hình thành các khu dân cư mới tại Hàm Thắng, Hàm Thuận Bắc.