Đây là thông tin được ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng Phòng quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, chia sẻ tại Diễn đàn Thực trạng hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam do Tổng cục Quản lý thị trường tổ chức ngày 26-11 tại Hà Nội.
Ông Tuấn cho biết tình trạng mua bán hàng hóa trên không gian mạng đang rất phức tạp, tinh vi, khó kiểm soát. Đáng chú ý, nhiều người mẫu, ca sĩ, diễn viên, MC… đã tham gia quảng bá cho các sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng trên mạng xã hội. Nhiều sản phẩm quảng bá có nguồn gốc không rõ ràng, nhập nhèm chất lượng.
“Trên thực tế hình ảnh được quảng bá với sản phẩm thực có sự khác nhau và khó kiểm soát được chất lượng, nguồn gốc. Nhiều người đăng quảng cáo lên website, trang Facebook cá nhân của mình và khi có đơn hàng họ lại đem đi đặt hàng chỗ khác” - ông Tuấn nói.
Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng Phòng quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số.
Bên cạnh đó, ông Tuấn cho hay tình trạng một số sản phẩm bị cài đặt bản đồ có đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc như thiết bị điện tử, quả địa cầu... Nhiều sàn thương mại không kiểm soát chặt chẽ khiến hàng vi phạm chủ quyền vẫn được bày bán công khai.
Chẳng hạn như ngày 15-9-2019, nhiều người dùng phản ánh việc sàn thương mại điện tử Lazada, Sendo và Tiki có bán địa cầu in hình đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc. Ngay sau đó, các sàn thương mại điện tử này tuyên bố đã gỡ bỏ các sản phẩm bị người dùng phản ánh.
“Các sàn thương mại điện tử lớn như Chotot, Sendo, Lazada, Tiki... đã đưa các từ khóa như bản đồ, quả địa cầu, đường lưỡi bò, địa lý... vào danh sách cấm bán để ngăn chặn luôn từ đầu” - ông Tuấn thông tin.
Ông Hoàng Ánh Dương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, cho biết từ đầu tháng 11 đến nay, Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội đã kiểm tra, phát hiện ba cơ sở có bày bán các sản phẩm in đường lưỡi bò phi pháp như đồ chơi trẻ em, mô hình quả địa cầu. Toàn bộ số hàng hóa vi phạm đều không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp. Lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội đã tạm giữ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Ông Dương nêu thực tế vấn đề gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh, kinh doanh hàng giả, qua mạng Internet ngày càng phổ biến và diễn biến phức tạp. Trong khi đó các chế tài xử lý vi phạm vẫn chưa được hoàn thiện. Việc thu thập thông tin, manh mối mua bán hàng trên mạng rất khó khăn. Thậm chí có trường hợp bán hàng tại Việt Nam nhưng cơ sở chính lại ở nước ngoài (server tại nước ngoài); trang web, cơ sở giới thiệu sản phẩm ở một nơi nhưng nơi xuất hàng lại ở nơi khác...
Phân tích sâu hơn, Thượng tá Đỗ Đức Tạo, Phó phòng 11, Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), Bộ Công an, Điều 226 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 có quy định chi tiết về “quy mô thương mại”, “gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý” nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thế nào là “quy mô thương mại” và “tiêu chí, cách thức đánh giá, xác định mức thiệt hại gây ra cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý”.
Điều 12 Nghị định 99/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp cũng quy định về đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý, mức xử phạt cao nhất cho hành vi này là phạt tiền không quá 250 triệu đồng đối với giá trị hàng hóa vi phạm trên 300 triệu đồng.
Trong khi nghị định không quy định mức trị giá hàng hóa tối đa để xử lý hình sự nên dù trị giá hàng hóa vi phạm có thể lên đến hàng tỉ đồng hoặc nhiều hơn cơ quan chức năng vẫn có thể xử lý hành chính.
Thực tế này dẫn đến một vi phạm vừa có thể xử lý bằng biện pháp hình sự vừa có thể xử lý bằng biện pháp hành chính. Thông thường các cơ quan thực thi pháp luật thường chọn hình thức xử lý hành chính vì thủ tục và quy trình xử lý đơn giản hơn rất nhiều đối với thủ tục để xử lý vụ việc bằng biện pháp hình sự. Điều này gây tác động xấu đến ý thức tuân thủ pháp luật của chủ thể vi phạm pháp luật và các cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm.
Ông Hoàng Ánh Dương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, cho biết nhiều đối tượng dùng thủ đoạn nhập hàng hóa nước ngoài về Việt Nam, gắn mác hàng Việt Nam hoặc các thương hiệu nổi tiếng. Chẳng hạn, nhiều người bán rong hoa quả, khoai tây, hành tỏi… xuất xứ Trung Quốc nhưng khi khách hỏi lại trả lời là hàng Việt Nam để bán được hàng. Khi đã lưu thông trên thị trường, hàng giả mạo xuất xứ thường trà trộn với hàng thật nên việc phát hiện vi phạm rất khó khăn. |