Phạt người thả rông chó không dễ

Mức phạt này được nêu rõ trong dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi vừa được Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) công bố nhằm lấy ý kiến đóng góp để chỉnh sửa, hoàn thiện trước khi trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.

Theo dự thảo này, ngoài phạt tiền người thả rông chó, những con chó thả rông sẽ bị buộc phải xích, nhốt, giữ trong chuồng cũi.

Đại diện Phòng Pháp chế (Cục Thú y), đơn vị soạn thảo dự thảo nghị định này cho biết, chó thả rông ở nơi công cộng, nơi đông dân cư và khu đô thị là mối nguy hiểm của cộng đồng. Nếu chó dữ cắn người thì gây thương tích, đặc biệt đối với các loại chó to lớn và rất hung dữ, khi tấn công người sẽ gây thương tích nặng. Nguy hiểm hơn, chó cắn có thể truyền bệnh dại cho người, gây tốn kém kinh phí tiêm phòng vắc xin và đe dọa đến tính mạng của nạn nhân.

Theo đại diện Phòng Pháp chế, chúng ta đã có các quy định cụ thể về việc quản lý chó ở ngoài đường, nơi công cộng như phải đeo rọ mõm cho chó, có xích và có người giám sát. Tuy nhiên, việc thực hiện các quy định này trên thực tế là chưa nghiêm, chó thả rông vẫn còn khá phổ biến, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Vì vậy, phạt những người thả rông chó ở khu vực công cộng, khu đô thị và nơi đông người là việc làm cần thiết, có tác dụng răn đe.

Nguyên Cục trưởng Cục Thú y, ông Bùi Quang Anh cũng cho rằng, việc xử phạt người thả rông chó như quy định trong dự thảo nghị định nêu trên là hợp lý và nên thực hiện.

“Cả nước hiện có 6-7 triệu con chó. Chó thả rông có thể gây bệnh dại. Năm 2012 cả nước đã có trên 70 người chết vì căn bệnh này. Ngoài ra, chó thả rông còn “bậy bạ” ở nơi công cộng, gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan”, ông Quang Anh nói.

Tuy nhiên, ông Quang Anh cho rằng, việc áp dụng trên thực tế là không dễ.

“Quy định này có đi vào cuộc sống được hay không phụ thuộc phần lớn vào các cấp chính quyền địa phương. Với thực tế hiện nay, để tổ chức giám sát, phát hiện và xử phạt hành vi thả rông chó cũng như bắt chó thả rông sẽ là không đơn giản”, ông Quang Anh lưu ý.

Ông Nguyễn Văn An, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thanh Oai (Hà Nội) nói rằng, việc xử phạt là rất khó khăn, không chỉ là việc “lấy đâu cho đủ lực lượng” giám sát, phát hiện chó thả rông.

“Ở nông thôn, mỗi nhà nuôi ít nhất 1 con chó, nhà nhiều thì 3-4 con. Người dân lâu nay vẫn có thói quen thả rông chó. Chúng ta đã có quy định nuôi chó phải đăng ký và từng thôn, từng xã phải có sổ theo dõi giám sát đàn chó trên địa bàn nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa làm được gì nhiều. Quy định xử phạt chắc cũng khó thực hiện trên thực tế”, ông An nói.

Một số chuyên gia thú y cho rằng, Việt Nam đã có các quy định xử lý đối với chó thả rông và có chính sách thành lập “đội săn chó thả rông” nhưng đến nay, trên địa bàn cả nước, số “đội bắt chó thả rông” được thành lập mới chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Theo các chuyên gia này, các cấp chính quyền địa phương cần phải vào cuộc một cách quyết liệt, mạnh mẽ thì quy định được cho là hợp lý này sẽ đi vào cuộc sống và đem lại hiệu quả thiết thực.

Theo Quang Duẩn (TNO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới