Thủ tướng Chính phủ đã cương quyết: Nếu Formosa vi phạm một lần nữa thì sẽ đóng cửa nhà máy. Đây có thể xem là những thông điệp mạnh mẽ nhất của người đứng đầu Chính phủ.
Điều này cho thấy vấn đề phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường đã đến hồi cấp thiết hơn bao giờ hết.
Thông tin từ cuộc họp thường kỳ của Chính phủ cho thấy chỉ số GDP sáu tháng đầu năm 2016 chỉ tăng 5,52%, thấp hơn nhiều so với mức 6,47% của cùng kỳ năm ngoái. Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã lý giải việc này có nhiều nguyên nhân, trong đó có hai nguyên nhân chính là ngành nông nghiệp (chiếm trên 75% giá trị tăng thêm khu vực nông lâm và thủy sản) giảm 0,78% và tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chỉ đạt 6,82%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,66% của cùng kỳ năm 2015.
Giá trị sản xuất nông nghiệp giảm - theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng là do tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn trên diện rộng tại các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và ô nhiễm môi trường biển tại các tỉnh miền Trung. Như vậy, có thể thấy ô nhiễm môi trường đã tác động đến nồi cơm của từng gia đình, gây hệ lụy lớn cho nền kinh tế đất nước.
Để phát triển, chúng ta không chỉ trông chờ vào sản xuất nông nghiệp. Chủ trương thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển công nghiệp là hoàn toàn đúng đắn. Một đất nước hơn 93 triệu dân như Việt Nam sẽ không thể phát triển nếu không chú trọng phát triển công nghiệp, tạo ra nhiều điều kiện về việc làm, nâng cao điều kiện sống về vật chất và tinh thần cho người dân. Đây là xu thế chung của tất cả quốc gia phát triển trên thế giới chứ không riêng Việt Nam. Thế nhưng giữa môi trường và sự phát triển có mối quan hệ chặt chẽ với nhau bởi môi trường chính là địa bàn, là đối tượng của phát triển, còn phát triển là nguyên nhân tạo nên các biến đổi của môi trường.
Là một đất nước đang trong quá trình phát triển, quá trình sản xuất công nghiệp có thể sẽ thải ra môi trường nhiều chất thải. Vấn đề là phải hạn chế tối đa các chất độc hại. Điều này không thể chỉ dựa vào những khẩu hiệu chung chung kiểu như kêu gọi về đạo đức. Mục tiêu tối thượng của mọi doanh nghiệp là lợi nhuận. Đối với những doanh nghiệp làm ăn chân chính và có trách nhiệm với cộng đồng, họ sẽ chú trọng kết hợp hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và lợi ích của cộng đồng. Thế nhưng không thể hy vọng mọi doanh nghiệp đều như thế. Mấu chốt vẫn là công tác quản lý của các cơ quan nhà nước từ khâu xét duyệt dự án đến quản lý, giám sát về môi trường.