Phát triển năng lượng hạt nhân, không dễ

(PLO)- Rào cản kỹ thuật, khó khăn trong tìm nguồn đầu tư, thiếu nhân lực là những nguyên nhân chính khiến các dự án năng lượng hạt nhân khó triển khai.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cùng với nhu cầu đảm bảo an ninh năng lượng, các dự án năng lượng hạt nhân ngày càng phổ biến trong thời gian gần đây. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo sản lượng điện hạt nhân sẽ đạt mức cao kỷ lục vào năm 2025.

Tuy nhiên, theo tờ Financial Times, việc xây dựng nhà máy hạt nhân mới và tăng công suất các nhà máy này là điều không hề dễ dàng. Gần đây, nhiều dự án năng lượng hạt nhân trên toàn cầu đang có xu hướng trễ tiến độ và vượt quá ngân sách so với dự kiến.

Vì sao các dự án năng lượng hạt nhân gặp nhiều trở ngại?
Nhà máy năng lượng hạt nhân ở Grohnde (Đức). Ảnh: REUTERS

Theo IEA, các dự án năng lượng hạt nhân trong giai đoạn 2010-2020 trung bình trễ tiến độ 3 năm.

Các vấn đề kỹ thuật, thiếu nhân viên có trình độ, gián đoạn chuỗi cung ứng, quy định nghiêm ngặt là những nguyên nhân chính khiến các dự án năng lượng hạt nhân gặp khó khăn trong quá trình triển khai.

Vấn đề kỹ thuật và xây dựng

Hồi cuối tháng 1, Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF) cho hay nhà máy hạt nhân Hinkley Point C ở Somerset (Anh) do tập đoàn này xây dựng sẽ trễ tiến độ ít nhất 2 năm. Nguyên nhân được EDF đưa ra là do việc lắp đặt hệ thống cơ điện và đường ống phức tạp.

EDF cho rằng việc xây dựng nhiều dự án trên quy mô lớn sẽ giúp họ khắc phục được những vấn đề kỹ thuật này, thông qua việc rút kinh nghiệm dần dần.

Tại Mỹ, theo kế hoạch ban đầu của công ty điện lực Georgia Power, việc mở rộng nhà máy điện hạt nhân Vogtle chỉ mất vài tuần và tốn 14 tỉ USD. Tuy nhiên, đến nay, dự án đã chậm 7 năm và tiêu tốn hơn gấp đôi mức chi phí đưa ra ban đầu, do một loạt vấn đề về xây dựng.

Những ví dụ này cho thấy các siêu dự án hạt nhân luôn tồn tại những phức tạp về mặt kỹ thuật và xây dựng.

Trợ cấp của chính phủ và các vấn đề chính trị

Phức tạp trong quá trình triển khai, chi phí cao, thời gian xây dựng dài, cũng như các quy định nghiêm ngặt khiến nhiều doanh nghiệp e ngại đầu tư vào các dự án năng lượng hạt nhân.

Do đó, để thu hút các nhà đầu tư, các chính phủ buộc phải tung ra nhiều trợ cấp. Nhiều dự án năng lượng hạt nhân lớn hiện nay được xây dựng theo hình thức liên doanh giữa nhà nước và doanh nghiệp tư nhân.

Tuy nhiên, các chính phủ không phải lúc nào cũng sẵn sàng chi tiền. EDF là doanh nghiệp thuộc sở hữu hoàn toàn của nhà nước Pháp. Công ty này cho biết trong dự án điện hạt nhân Sizewell C ở Anh sắp tới, họ sẽ chỉ góp 20% tổng chi phí dự án.

Screenshot-2023-12-17-at-19.16.15-1200x828.png
Đội ngũ kỹ thuật của EDF lắp đặt mái vòm thép nặng 245 tấn cho lò phản ứng đầu tiên của nhà máy năng lượng hạt nhân Hinkley Point C (Anh). Ảnh: AFP

Nhiều lò phản ứng mới đang được xây dựng trên toàn cầu là do Nga và Trung Quốc (TQ) đầu tư. IEA cho biết các lò phản ứng của TQ và Nga chiếm 70% số lò phản ứng đang được xây dựng.

Theo Financial Times, điều này phần nào giúp Nga và TQ tăng sức ảnh hưởng trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân.

Trong số này, tập đoàn năng lượng hạt nhân Rosatom của Nga đang giúp Ấn Độ xây dựng một số lò phản ứng mới cho nhà máy điện hạt nhân Kudankulam.

Ấn Độ có kế hoạch tăng gấp 3 lần năng lượng hạt nhân từ nay đến năm 2031 với 19 lò phản ứng mới. Ấn Độ kỳ vọng nước này trở thành nhà sản xuất năng lượng hạt nhân lớn thứ ba thế giới, sau Mỹ và Pháp. Chính phủ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tìm cách tăng nguồn tài chính cho các dự án năng lượng hạt nhân và khuyến khích đầu tư vào các lò phản ứng mô-đun nhỏ.

Khó khăn trong cung ứng uranium

Theo dữ liệu của Hiệp hội Hạt nhân Thế giới, Kazakhstan là quốc gia khai thác uranium lớn nhất thế giới vào năm 2022, tiếp theo là Canada, Namibia và Úc. Khó khăn trong sản xuất ở Kazakhstan đã đẩy giá uranium ở nước này tăng cao.

Điều này mang lại lợi thế cho các nhà sản xuất uranium ở Úc trong những tháng gần đây.

download-_36_.jpg
Một phần nhà máy năng lượng hạt nhân Fukushima Daiichi (Nhật). Ảnh: AP

Chuỗi cung ứng uranium được làm giàu cũng gặp nhiều khó khăn. Gần một nửa khả năng cung cấp thương mại uranium làm giàu của thế giới là ở Nga.

Các nước phương Tây đang cố gắng phá vỡ lợi thế này của Nga. Vào tháng 1, chính phủ Anh cho biết sẽ đầu tư 300 triệu bảng Anh để phát triển hoạt động sản xuất uranium được làm giàu ở mức độ thấp – vốn được sử dụng trong các lò phản ứng mô-đun nhỏ.

Thiếu nguồn nhân lực

Tìm được kỹ sư hạt nhân có kỹ năng cao là vấn đề không dễ. Pháp cho biết họ cần thêm 100.000 người trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân từ nay đến năm 2030. Anh cũng có nhu cầu nhân sự cao trong lĩnh vực này.

Bà Linda Pålsson – người đứng đầu bộ phận năng lượng tại công ty tư vấn AFRY (Thụy Điển) – cho biết: “Đang có một cuộc chiến giành nhân tài trong toàn bộ lĩnh vực năng lượng”.

Giải pháp là gì?

Theo Financial Times, để nhiều dự án năng lượng hạt nhân được triển khai trong tương lai, chính phủ các nước cần huy động khối doanh nghiệp tư nhân đầu tư, thông qua hỗ trợ tài chính, trợ cấp và các phương án bổ sung khác.

Trên thực tế, một số công ty tư nhân đang tham gia cuộc đua phát triển các lò phản ứng mới, chủ yếu là các lò phản ứng mô-đun nhỏ.

Ngoài ra, các doanh nghiệp năng lượng cũng cần cải tiến kỹ thuật và quy trình sản xuất điện hạt nhân. Mục đích của việc này là khiến năng lượng hạt nhân nhanh hơn, rẻ hơn và thu hút đầu tư nhiều hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm