Theo Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến, trong 5-10 năm tới, số lượng xe buýt ở TP dự định tăng lên gấp 2-3 lần hiện nay; sẽ có làn dành riêng cho xe buýt trên một số tuyến đường, nhất là tuyến có nhiều người dân đi lại…
Theo ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP, để giao thông công cộng nói chung và xe buýt nói riêng phát triển bền vững, TP sẽ tiếp tục duy trì ba trụ cột là: 1. Phát triển phương tiện xe lưu thông về số lượng và chất lượng, nâng cao hệ thống hạ tầng cho xe buýt; 2. Hoàn thiện hơn nữa cơ cấu, tổ chức khai thác, điều hành xe buýt; 3. Nâng cao cơ chế tài chính, chính sách đầu tư cho xe buýt. “Hiện TP có 105 tuyến xe buýt có trợ giá với khoảng 2.290 đầu xe; định hướng đến năm 2020 sẽ phát triển lên thành 200-220 tuyến xe có trợ giá với khoảng 5.630 đầu xe. TP.HCM sẽ phát triển xe buýt theo đặc thù của mình, trong đó có loại có sức chở lớn như BRT, loại trung bình và cả loại mini buýt, xe buýt điện…” - ông Cường nói.
Khách du lịch phương Tây đi xe buýt vào trung tâm TP.HCM. Ảnh: LƯU ĐỨC
Tại hội thảo, đại diện Tập đoàn Volvo giới thiệu mô hình và sản phẩm đoàn xe buýt nhanh (BRT) 2-3 toa, sức chở 200-300 người/đoàn, có đường riêng. “Tại một số nước châu Mỹ Latinh, Volvo đã giúp xây dựng nhiều tuyến BRT ở các TP lớn có nhiều tuyến đường nhỏ, ngắn và khi BRT chen vào như là cách “cưỡng bức” người đi xe cá nhân phải chuyển sang đi xe công cộng” - vị đại diện Tập đoàn Volvo cho biết.
Theo Sở GTVT TP, hiện TP đang nghiên cứu kỹ tuyến BRT chạy theo đại lộ Võ Văn Kiệt sau khi tuyến BRT ở Hà Nội đem lại nhiều hiệu ứng xã hội.