Phát triển y tế cơ sở phải sát, đúng và trúng

(PLO)- Mục tiêu của ngành y tế đến năm 2030 là mạng lưới y tế cơ sở phải đóng vai trò quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe của người dân liên tục và toàn diện.

Ngày 29-3, tại TP.HCM đã diễn ra hội thảo phía Nam về định hướng phát triển y tế cơ sở trong tình hình mới do Bộ Y tế và Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp tổ chức.

Y tế cơ sở vẫn còn nhiều cái khó

Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết hiện nay trên thế giới có 3-10 bác sĩ (BS)/10.000 dân, tại TP.HCM con số này chỉ đạt 0,25 BS đa khoa tại y tế tuyến cơ sở/10.000 dân và đây là tỉ lệ rất thấp. “TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung chưa có chính sách phân bổ BS đa khoa cho tuyến y tế cơ sở, chưa có chế độ đãi ngộ phù hợp để thu hút BS về công tác tại các trung tâm y tế, trạm y tế xã, phường. Vì thế, hiện nay y tế tuyến cơ sở đang rất thiếu nhân lực” - ông Thượng nêu thực tế.

Người dân đi khám bệnh tại Trạm y tế xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, TP.HCM.
Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Ông Đoàn Minh Cương, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, chia sẻ suốt 38 năm hoạt động, cơ sở vật chất của trung tâm y tế huyện này vẫn còn rất nhiều khó khăn dù đã được đầu tư. Đơn cử như giường bệnh không đáp ứng được chất lượng và số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh, y tế dự phòng như khoa Y tế công cộng, phòng An toàn thực phẩm, Kiểm soát dịch bệnh… đến nay vẫn chưa có phòng riêng để hoạt động. Hiện lượng nhân viên y tế của huyện Lâm Hà chỉ đạt 5,2% BS chăm sóc, điều trị cho 10.000 dân, tuy 16/16 trạm đều có BS nhưng làm việc không lâu dài.

Tại VN, chỉ số bao phủ dịch vụ y tế thiết yếu của y tế cơ sở đạt 70/100 điểm, cao hơn mức trung bình Đông Nam Á (61 điểm), toàn cầu (67 điểm). Theo báo cáo PAPI năm 2021 có 54,04% người trả lời hài lòng với dịch vụ của bệnh viện công tuyến huyện.

“Trong 10 năm qua, chúng tôi chỉ mới tuyển được ba BS về làm việc, số còn lại là các BS được tăng cường thay BS về hưu. Một số chuyên khoa như răng hàm mặt, vật lý trị liệu… chưa có hoặc chưa được cấp chứng chỉ gây khó khăn trong thực hiện danh mục kỹ thuật. Suốt một thời gian dài, huyện Lâm Hà không có đủ chuyên khoa để chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho người dân khi có nhu cầu” - ông Cương nói thêm.

Ông Christophe Lemiere, Giám đốc ban Phát triển con người thuộc WB, cũng cho hay qua khảo sát thực tế cho thấy tại Việt Nam (VN) có đến 30% người bệnh điều trị ở tuyến trên có thể điều trị ngay tại y tế cơ sở. “Chính vì thế, tỉ lệ chi tiêu y tế trong chăm sóc bệnh nhân nội trú ở VN chiếm đến 45% tổng chi tiêu y tế trong khi ở các nước đang phát triển khác chỉ khoảng 30%” - ông Christophe Lemiere dẫn chứng.

Sớm luật hóa để phát triển y tế cơ sở

Phát biểu tại hội nghị, ông Thượng nhấn mạnh rằng hiện đã có Luật Dự phòng và kiểm soát bệnh tật, tuy vậy luật này lại không thể áp dụng cho khám chữa bệnh ở y tế tuyến cơ sở. Điều đó cho thấy luật hóa về phát triển y tế cơ sở là điều cần thiết. Ông kiến nghị Bộ Y tế cần phối hợp với các bộ, ngành có cơ chế, chính sách chuyển đổi tỉ lệ BS đa khoa đang công tác tại tuyến y tế cơ sở. Đặc biệt là bắt buộc các BS mới tốt nghiệp có thời gian thực hành tại y tế tuyến cơ sở và BS phải có nghĩa vụ với y tế cơ sở trong khoảng thời gian nhất định, như thực hiện nghĩa vụ quân sự.

“Các nước đã có chính sách này, nếu VN luật hóa nghĩa vụ này và đi kèm chế độ để BS gắn bó lâu dài sẽ không sợ thiếu người” - ông Thượng nói và kiến nghị thêm cần sớm có cơ chế để các tỉnh, TP có kế hoạch xây dựng và phát triển mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng, bởi có luân phiên BS cỡ nào cũng không đủ cán bộ tiếp cận từng nhà dân. Ngoài ra, Bộ Y tế cần sớm mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế tại trạm y tế, tương đồng với danh mục thuốc ngoại trú bệnh viện tuyến huyện.

Về khó khăn trong kinh phí hoạt động của y tế cơ sở, ông Cương cho biết Trung tâm Y tế huyện Lâm Hà hiện khó đảm bảo thu chi vì nguồn thu chủ yếu từ bảo hiểm y tế, chiếm 90%-92%. “Huyện cũng chưa có quy định định mức giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe nên trong khám chữa bệnh, có tiền cũng không chi được. Do đó cần có chính sách đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị, chế độ để y tế cơ sở đủ điều kiện phát triển trong tình hình mới” - ông Cương đề nghị.

Ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết sau 20 năm thực hiện chỉ thị về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, ngành y tế đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu vẫn còn nhiều hạn chế. “Các chính sách đều xuất phát từ thực tiễn, vì thế phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Bộ Y tế mong muốn chỉ thị ban hành phải sát với thực tế, đúng và trúng, không ban hành để lấy chỉ tiêu” - ông Tuyên nhấn mạnh.

Ngày 22-1-2002, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX đã ban hành Chỉ thị 06- CT/TW về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở. Đến nay, mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp cả nước, từng bước được củng cố về mọi mặt. Nhiều dịch bệnh nguy hiểm được khống chế và đẩy lùi, phòng, chống và quản lý bệnh không lây nhiễm, quản lý sức khỏe của người dân bước đầu được triển khai tại tuyến xã. Chất lượng dịch vụ y tế tuyến cơ sở từng bước được nâng cao góp phần quan trọng trong việc cải thiện tình trạng sức khỏe của nhân dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới