Phẫu thuật cho bệnh nhân hóc xương cá đã 3 ngày

(PLO)- Bệnh nhân nam P.T.G (36 tuổi) được chỉ định mở cạnh cổ lấy xương cá dài 3,5 cm sau ba ngày bị hóc xương cá.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 26-10, Bệnh viện (BV) Tai Mũi Họng TP.HCM tổ chức họp báo thông tin về hai trường hợp bị hóc dị vật tai mũi họng nguy hiểm.

Bệnh nhân P.T.C nhập viện trong tình trạng nuốt đau, khàn tiếng tăng dần, ăn uống kém.

Bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, không khó thở, vùng cổ sưng đỏ, ấn vào đau, nghe lọc cọc thanh quản. Theo bệnh nhân, trước đó 3 ngày có bị hóc xương cá.

hóc xương cá
Bác sĩ thăm hỏi sức khỏe bệnh nhân sau phẫu thuật lấy xương cá. Ảnh: VÕ THƠ

Qua kiểm tra các bác sĩ phát hiện dị vật dài khoảng 3,5cm từ hạ hầu - miệng thực quản đâm xuyên qua vùng cổ liên quan vũng dưới sụn giáp, đầu ngoài dị vật cách da khoảng 4 mm.

Bệnh nhân bị viêm nhiều vùng sụn phễu - xoang lê - hạ hầu, quanh tuyến giáp, không loại trừ áp xe hóa.

Bệnh nhân được phẫu thuật nội soi hạ họng - thực quản ống cứng kiểm tra và mở cạnh cổ lấy xương cá.

Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân giảm nuốt đau, ăn uống được và không khó thở, vùng cổ giảm phù nề, đang được điều trị và theo dõi.

Trường hợp thứ hai là bệnh nhi B.M.N (5 tuổi) nhập viện trong tình trạng máu mũi rỉ rả, tái đi tái lại nhiều lần và tự cầm. Khi nội soi phát hiện có dị vật kim loại hình tròn kích thước hốc mũi 9mm.

dị vật tai mũi họng
Bé trai bị hủy sụn vách ngăn, niêm mạc hoại tử do pin điện tử rơi vào hốc mũi. Ảnh: VÕ THƠ

Bệnh nhân hợp tác kém nên được chỉ định gây mê nội soi lấy dị vật pin điện tử. Niêm mạc vách ngăn, sụn vách ngăn, niêm mạc cuối dưới bị hoại tử do đó các bác sĩ lấy sạch mô hoại tử, bơm rửa mũi. Ghi nhận nơi vách ngăn hoại tử bị thủng. Sau phẫu thuật, bệnh nhân chỉ còn chảy máu mũi ít, đang được điều trị và theo dõi.

TS-BS Lê Trần Quang Minh, Giám đốc BV Tai Mũi Họng TP.HCM cho biết, những dị vật ở tai, mũi, họng thường khó xử lý và để lại những biến chứng nặng. Chẳng hạn vết mổ vùng cổ, cùng nguy cơ biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng, tiếp cận các hệ thống động tĩnh mạch lớn ở vùng cổ, gây viêm loét, hoại tử và thủng mạch máu. Nếu đi vào khu vực tuyến giáp sẽ gây viêm tuyến giáp.

BS khuyến cáo người bệnh nên đi khám tại các cơ sở y tế khi nghi ngờ có hóc xương. Đồng thời không nên áp dụng các phương pháp được truyền miệng hay đăng trên mạng mang áp dụng nuốt cơm, ngậm vitamin C, khạc nhổ mạnh… như vậy có thể tăng nguy cơ làm dị vật đi xuống sâu hơn.

BS cũng khuyến cáo các bậc phụ phuynh tránh cho trẻ nhỏ tiếp xúc với những vật nhỏ như pin điện tử, hạt xốp, các loại hạt nhỏ… cho bé đi thăm khám tại các cơ sở y tế khi có các triệu chứng như chảy nước mũi một bên, có mùi hôi, cháy máu mũi một bên tái đi tái lại.

Trong trường hợp phụ huynh thấy trẻ hóc dị vật ở tai, mũi, họng đầu tiên giúp trẻ bình tĩnh, không hoảng sợ. Đồng thời, không tự ý lấy dị vật có thể làm dị vật đi sâu hơn vào những vùng nguy hiểm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm