Theo đó, dự án nhà máy luyện cán thép Việt Pháp có tổng diện tích thực hiện là 17,3 ha, công suất 180.000 tấn sản phẩm/năm.
Chủ dự án có trách nhiệm tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường hiện hành có liên quan, đảm bảo các yêu cầu về an toàn và vệ sinh môi trường trong quá trình thi công xây dựng và hoạt động dự án.
Đầu tư xây dựng hoàn thiện các công trình xử lý chất thải của dự án đảm bảo các chất thải được xử lý đạt các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trước khi thải vào nguồn tiếp nhận.
Trong quá trình thực hiện dự án, nếu để xảy ra sự cố gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng môi trường và sức khỏe cộng đồng phải dừng ngay các hoạt động của dự án gây ra sự cố; tổ chức ứng cứu khắc phục sự cố; thông báo khẩn cấp cho Sở TN&MT và Phòng TN&MT huyện Nam Giang để được chỉ đạo và phối hợp xử lý; chịu trách nhiệm khắc phục sự cố môi trường, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Nhà máy thép Việt Pháp trước đó đặt ở thị xã Điện Bàn đã bị người dân phản đối lo ngại ô nhiễm. Ảnh: CTV
Quyết định nêu rõ: Tất cả các loại máy móc, thiết bị, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu được sử dụng trong dự án đều không thuộc danh mục cấm sử dụng ở Việt Nam theo quy định hiện hành. Thông báo bằng văn bản đến UBND tỉnh, Sở TN&MT về kế hoạch vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải phục vụ giai đoạn vận hành trước khi tiến hành vận hành thử nghiệm ít nhất mười ngày làm việc.
Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, nếu có những thay đổi về nội dung của Báo cáo Đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt, chủ dự án phải có văn bản báo cáo gửi UBND tỉnh, Sở TN&MT và chỉ được thực hiện những nội dung thay đổi sau khi được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt.
Quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án là căn cứ để cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định các bước tiếp theo của dự án theo quy định tại Điều 25 Luật Bảo vệ môi trường.