Mục tiêu lập quy hoạch nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về định hướng phát triển lĩnh vực GDĐH; kết nối các ngành, các vùng có liên quan theo quy hoạch tổng thể quốc gia.
Việc lập quy hoạch nhằm thiết lập được một hệ thống GDĐH mở, công bằng, bình đẳng, chất lượng, hiệu quả, phục vụ học tập suốt đời; có quy mô cơ cấu hợp lý, đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao, ứng dụng khoa học, đổi mới công nghệ phục vụ phát triển bền vững của cả nước và từng địa phương.
Bên cạnh đó, việc lập quy hoạch sẽ làm cơ sở để triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn trên phạm vi cả nước thuộc lĩnh vực GDĐH, bảo đảm khách quan, khoa học, công khai, minh bạch và hiệu quả, đồng thời là cơ sở huy động nguồn lực của cộng đồng, xã hội phát triển mạng lưới cơ sở GDĐH.
Đối tượng quy hoạch là các cơ sở GDĐH theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH (không bao gồm các cơ sở GDĐH thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng), các trường cao đẳng sư phạm.
Nội dung quy hoạch cần phân tích, đánh giá về các yếu tố, điều kiện tự nhiên, nguồn lực, bối cảnh, thực trạng mạng lưới cơ sở GDĐH và sư phạm; dự báo xu thế phát triển, kịch bản phát triển ảnh hưởng trực tiếp đến mạng lưới cơ sở GDĐH và sư phạm.
Một nội dung nữa là đánh giá về sự liên kết ngành, liên kết vùng, liên kết giữa mạng lưới cơ sở GDĐH và sư phạm với cơ sở nghiên cứu khoa học trong việc phát triển mạng lưới cơ sở GDĐH; xác định yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội đối với ngành, những cơ hội và thách thức.
Ngoài ra, nội dung quy hoạch cần xác định quan điểm, mục tiêu phát triển mạng lưới cơ sở GDĐH và sư phạm trong thời kỳ quy hoạch; phương án phát triển mạng lưới cơ sở GDĐH và sư phạm; định hướng bố trí sử dụng đất cho phát triển mạng lưới cơ sở GDĐH và sư phạm, các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; danh mục các dự án quan trọng quốc gia, dự án ưu tiên đầu tư của ngành, thứ tự ưu tiên thực hiện; xây dựng giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch.