Ngày 17-1, TAND TP Cần Thơ xét xử phúc thẩm đối với bị cáo Dương Bá Thăm (46 tuổi) về tội cố ý gây thương tích do có kháng cáo của đại diện gia đình bị hại yêu cầu tăng hình phạt, tăng tiền bồi thường.
Mâu thuẫn nhỏ nhặt, người chết, người vào tù
Hồ sơ vụ án thể hiện tối một ngày tháng 5-2022, ông ĐTS đi dự đám cưới trong xóm, do ông có uống rượu bia nên được mọi người đưa về nhà ngủ. Đến khoảng 22 giờ cùng ngày, ông S quay lại nhà đám và đánh bạc ăn thua bằng tiền cùng anh em Thăm và một số người khác.
Trong lúc đánh bạc, ông S và anh em Thăm mâu thuẫn trong việc chung chi tiền bạc nên hai bên cự cãi. Cha của anh em bị cáo lên tiếng can ngăn về việc đến đám cưới gia đình người khác mà gây ồn ào. Ông S cầm ghế định đánh cha của Thăm nên Thăm dùng tay đánh vào mặt ông S làm ông té ngã xuống nền gạch bất tỉnh.
|
Bị cáo Thăm tại phiên tòa phúc thẩm ngày 17-1. Ảnh: NHẪN NAM |
Sau đó, ông S được đưa cấp cứu ở nhiều bệnh viện. Tuy nhiên, đến chiều hôm sau thì ông tử vong do xuất huyết não sau chấn thương sọ não nặng do tác động với vật tày. Gia đình bị cáo đã bồi thường cho gia đình bị hại hơn 90 triệu đồng.
Xử sơ thẩm, TAND quận Ô Môn phạt bị cáo Thăm sáu năm tù về tội cố ý gây thương tích theo điểm a khoản 4 Điều 134 BLHS. Ngoài ra, tòa còn buộc bị cáo bồi thường tổn thất tinh thần cho gia đình bị hại 74,5 triệu đồng (50 tháng lương cơ sở) và 90 triệu mai táng phí…
Sau đó, các con của bị hại kháng cáo yêu cầu tăng hình phạt và tăng tiền bồi thường thêm 50 tháng lương cơ sở nữa.
Tòa nỗ lực hòa giải, hàn gắn tình người
Tại phiên tòa phúc thẩm, HĐXX đã dành nhiều thời gian để giúp níu giữ tình người giữa hai gia đình. Theo đó, tòa động viên bị cáo cố gắng bồi thường thêm, còn gia đình bị hại rút kháng cáo tăng hình phạt. Bởi lẽ vụ án này không xuất phát từ mâu thuẫn trước. Hai gia đình trước nay vẫn hòa thuận.
Một người con gái của bị hại òa khóc. Chị cho rằng vì bị cáo mà cha của chị ra đi đột ngột, không lời trăng trối với con cháu. Đã vậy, khi cha chị ngã xuống thì bị cáo không đưa đi cấp cứu…
HĐXX làm rõ nguyên nhân dẫn đến xô xát và giải thích rằng bị cáo không cố ý tước đi mạng sống của bị hại. Bị cáo đánh một cái khiến bị hại ngã xuống thì mọi người can ngăn bị cáo và đuổi về. Bị cáo về nhà, không biết tình trạng của bị hại. Đến khi bị hại được đưa đi cấp cứu thì vợ bị cáo cũng đi theo.
Vị thẩm phán nói thêm với các con của bị hại rằng nguyên nhân vụ việc thì đã rõ, không có lửa làm sao có khói. Xã hội thì có người nọ người kia, có người nóng nảy, có người lại bình tĩnh ôn hòa.
Ở đây, hành vi của bị cáo gây ra hậu quả thì bị cáo phải gánh chịu. Gia đình bị cáo cũng thể hiện sự lo lắng khi vợ bị cáo đi cùng xe cấp cứu, rồi lo hơn 90 triệu đồng bồi thường. Giờ có bồi thường thêm 100 tháng lương hay 200 tháng lương thì cũng không bù đắp được sự mất mát.
Bị cáo phải đi tù cũng khó khăn cho gia đình. Hai bên cần giữ lại tình người để mai kia, bị cáo chấp hành xong hình phạt, về nhà, còn nhìn mặt nhau.
Sau cùng, bị cáo đồng ý bồi thường thêm 50 tháng lương cơ sở nữa và nhiều lần xin lỗi. Gia đình bị hại đồng ý rút kháng cáo tăng hình phạt nên tòa đình chỉ phần kháng cáo này. Về trách nhiệm dân sự, tòa ghi nhận sự tự nguyện của bị cáo về việc bồi thường thêm.
Cần tăng tiền bồi thường để trả nợ cho cha
Con của bị hại gọi bị cáo là “bác Bảy”. Họ cũng trải lòng với “bác Bảy” rằng bác có ở tù thêm vài năm cũng không giải quyết được gì. Họ chỉ mong sớm có tiền bồi thường để trả nợ cho cha, còn bị cáo sớm được về chăm lo cho gia đình.
Con trai của bị hại nói: “Tui cũng muốn giữ cái tình người. Cha tui lúc còn sống có vay tiền để làm ăn. Nay cha đã mất, anh em tui cũng khó khăn, muốn dành tiền bồi thường để trả nợ cho cha”.