Ngày 1-6, Tòa Gia đình và người chưa thành niên (TAND TP.HCM) xét xử phúc thẩm bị cáo NML (SN 1998) phạm tội trộm cắp tài sản. Đây là phiên xử đầu tiên trong cả nước theo mô hình phòng xử thân thiện dành cho người chưa thành niên. Phiên xử kéo dài hơn so với phiên tòa hình sự phúc thẩm bình thường.
Thân thiện, lắng nghe và giải thích
Hồ sơ thể hiện L. (mới 17 tuổi bốn tháng) bị hai người lớn rủ rê đi trộm cắp. Cả ba lén lút vào lấy hai xe mô tô (định giá khoảng 6,5 triệu đồng), sau đó bị bắt giữ. Xử sơ thẩm, TAND quận Bình Tân tuyên phạt hai bị cáo kia người một năm tù, người còn lại một năm ba tháng tù. L. bị phạt chín tháng tù do chưa thành niên. Sau đó, em L. và mẹ em cùng kháng cáo xin giảm án và cho hưởng án treo.
Trước đây, phòng xử hình sự được bố trí chỗ ngồi có sự phân cấp cao thấp, có sự trang nghiêm rạch ròi giữa HĐXX, những người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng khác. Phiên tòa thân thiện hiện nay được bố trí thành bàn vuông ngồi quây quần, chủ tọa giữ vai trò điều tiết việc trao đổi giữa các thành viên tham gia.
Ngồi cùng chủ tọa có hai thẩm phán phối hợp làm thành một hội đồng lắng nghe. VKS ngồi cạnh không có cảm giác như công tố buộc tội mà chỉ như viện dẫn ra những vấn đề có hồ sơ trong vụ án. Bị cáo dưới 18 tuổi không hề chơi vơi vì cạnh bên là mẹ (người giám hộ) và luật sư. Đặc biệt, bị cáo không phải đứng trước vành móng ngựa nên không còn căng thẳng về mặt tâm lý.
Phiên xử bắt đầu bằng việc điểm sơ qua bản án sơ thẩm trước đó và tập trung vào việc kháng cáo của hai mẹ con bị cáo L. Mẹ L. không biết chữ, đơn kháng cáo cho con là do chính L. viết giúp. Với tư cách giám hộ, bà không phân biệt được việc giảm án và xin hưởng án treo là thế nào. Chủ tọa, kiểm sát viên và cả luật sư phải thay phiên giải thích cho bà hiểu rằng án treo là hình phạt nhưng được ở ngoài chịu sự quản lý của địa phương và gia đình. Nhưng dường như điều này vượt quá nhận thức của một bà mẹ mù chữ.
Phiên tòa thân thiện đầu tiên trên cả nước xử người chưa thành niên do Tòa Gia đình và người chưa thành niên - TAND TP.HCM xử ngày 1-6. Ảnh: HOÀNG YẾN
Giúp bị cáo và người thân nhận ra lỗi lầm
L. là con một của vợ chồng bà. Hai vợ chồng nghèo thuê nhà vất vả kiếm sống qua ngày bằng đồng lương công nhân. Cả hai mỗi sáng ra khỏi nhà từ 6 giờ sáng, miệt mài làm cho tới 8 giờ tối mới về. L. thiếu sự quản lý của cha mẹ, học hành không tới nơi nên lêu lổng, nghe theo lời của người xấu. Và đó là nguyên nhân khiến L. vướng vòng tù tội.
Tuy nhiên, khi chủ tọa và các thành viên khác hỏi bà có biết tại sao hôm nay phải đứng tại đây không thì bà không biết trả lời. Bà chỉ biết con bà bị bắt và giờ nó ở đây vì trộm đồ. Thẩm phán đặt vấn đề nhiều người trộm cắp phải ra tòa nhưng cha mẹ không phải đứng đây. Người mẹ ấp úng, chủ tọa giải thích: “Vì con chị chưa thành niên, chưa đủ 18 tuổi...”.
Trách nhiệm bậc làm cha mẹ luôn là vấn đề được hướng tới để tòa xem xét cho bị cáo L. hưởng án treo. HĐXX trong quá trình trao đổi đã không ít lần nhắc nhở người giám hộ rằng: “Bị cáo đáng trách một nhưng qua cách trả lời của bà rõ ràng trách nhiệm của vợ chồng bà nhiều hơn. Bản thân con cái đã không hiểu biết dẫn đến việc phạm tội nhưng cha mẹ lại bàng quan sau sự việc rồi đổ lỗi tại vì này nọ...”.
Tại phiên tòa, các thẩm phán và công tố viên khuyến khích người giám hộ và bị cáo cứ thoải mái trình bày, nghĩ gì cứ nói ra. Bởi hiểu và đánh giá được các nhận thức, suy nghĩ của họ, HĐXX mới có thể có một phán quyết chính xác vì tương lai của L. Chủ tọa luôn khơi gợi: “Mục đích của buổi hôm nay không phải là xử tù bị cáo mà chỉ nhằm phòng, chống tội phạm và hướng thiện cho người chưa thành niên phạm tội. Vì vậy chúng tôi rất muốn nghe tâm tư, nguyện vọng của bị cáo và mẹ bị cáo...”.
Khi nghe chủ tọa phân tích, L. thừa nhận do mình là con một, ham chơi và bỏ học từ lớp 7 nên nay mới phạm tội. Nay bị cáo xin tòa cho cơ hội sửa sai về với cha mẹ và chăm chỉ đi làm.
Tin vào sự hướng thiện của bị cáo
Tại phiên xử, luật sư cũng dùng thời gian không ít để cùng HĐXX, VKS giải thích về án treo cũng như trách nhiệm của cha mẹ nếu L. được tòa cho hưởng án treo.
Thủ tục, trình tự như xét hỏi, tranh luận vẫn được đảm bảo nhưng nó không nặng nề như một phiên tòa hình sự thông thường. Sau lời nói sau cùng của L., HĐXX vào nghị án và quyết định chuyển hình phạt chín tháng án tù thành án treo với thời gian thử thách là 18 tháng.
Trao đổi sau phiên xử, chủ tọa phiên tòa cho biết: “Nhìn những giọt nước mắt ân hận của L. càng về cuối phiên xử tôi cảm nhận đứa trẻ này có thể sửa đổi. Đành rằng việc quản lý, nuôi dạy, cha mẹ sẽ đóng vai trò quan trọng nhưng nhận thức và quyết tâm trong một con người mới quyết định họ có thành người tốt hay không”.
Đó cũng chính là lý do HĐXX tuyên sửa thành án treo để cho L. có cơ hội sửa sai, trở thành người tốt trong cuộc đời.
Tòa thân thiện đầu tiên trên cả nước Ngày 4-4, TAND Tối cao tổ chức lễ ra mắt Tòa Gia đình và người chưa thành niên tại TAND TP.HCM. TAND TP.HCM là nơi được chọn để tổ chức tòa gia đình và người chưa thành niên đầu tiên trong cả nước. Tòa chuyên trách này được tổ chức theo mô hình giải quyết các tranh chấp vụ việc liên quan đến hôn nhân-gia đình theo BLTTDS; người phạm tội chưa đủ 18 tuổi hoặc người phạm tội đã đủ 18 tuổi nhưng bị hại là người dưới 18 tuổi; xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại tòa án đối với người chưa thành niên... Trong thời gian tới, tại TAND các quận, huyện cũng sẽ triển khai mô hình tòa chuyên trách này. |