Philippines không cho Mỹ cất vũ khí dùng cho Đài Loan trong căn cứ quân sự

(PLO)- Philippines không cho phép Mỹ cất giữ vũ khí trong những căn cứ quân sự theo thỏa thuận hợp tác quốc phòng song phương để dùng cho các hoạt động ở Đài Loan, theo Bộ trưởng Ngoại giao Philippines - ông Enrique Manalo.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 19-4, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines - ông Enrique Manalo cho biết Philippines sẽ không cho phép Mỹ dự trữ vũ khí tại những căn cứ quân sự mà quân đội Mỹ có quyền tiếp cận theo Thỏa thuận hợp tác quốc phòng nâng cao (EDCA) năm 2014 giữa Manila và Washington để sử dụng trong các hoạt động ở Đài Loan, theo tờ Philippine Star.

Điều trần tại Thượng viện, ông Manalo nói rằng quyết định của Philippines về việc có cho phép Mỹ cất giữ vũ khí tại các địa điểm đã được hai nước thỏa thuận hay không sẽ tuân theo những mục đích chính của thỏa thuận quốc phòng và lợi ích quốc gia.

Ông Manalo nói: "Chúng tôi sẽ không đồng ý với bất kỳ loại hoạt động nào hoặc thậm chí là vật chất không phù hợp với các hoạt động đã thỏa thuận…Quan điểm của chúng tôi là EDCA không nhằm vào bất kỳ nước thứ ba nào ngoài mục đích sử dụng cho Philippines và trong mối quan hệ với Mỹ như trong hiệp ước”.

Ông Manalo khẳng định chính sách đối ngoại của Philippines là làm bạn với tất cả quốc gia. Ông nói: “Tôi nghĩ, bất cứ điều gì không phù hợp với điều đó cũng sẽ không phù hợp với lập trường của chúng tôi".

Bộ trưởng Ngoại giao Philippines - ông Enrique Manalo trong phiên điều trần công khai của Ủy ban Đối ngoại về Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Nâng cao (EDCA) ngày 19-4. Ảnh: Release/Senate PRIB/Joseph Vidal

Bộ trưởng Ngoại giao Philippines - ông Enrique Manalo trong phiên điều trần công khai của Ủy ban Đối ngoại về Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Nâng cao (EDCA) ngày 19-4. Ảnh: Release/Senate PRIB/Joseph Vidal

Ông Manalo cũng nói thêm rằng điều này kéo theo việc Philippines sẽ không cho phép quân đội Mỹ tiếp nhiên liệu, sửa chữa và nạp đạn tại các địa điểm EDCA.

Bốn căn cứ quân sự theo EDCA mới mà Mỹ sẽ được tiếp cận ở miền bắc và miền tây Philippines, gồm 2 căn cứ ở tỉnh Cagayan, 1 căn cứ ở tỉnh Isabela và căn cứ còn lại ở tỉnh Palawan. Như vậy, tổng số căn cứ theo EDCA giữa hai nước nâng lên thành 9 căn cứ.

Thượng nghị sĩ Imee Marcos, chủ tịch hội đồng đối ngoại của Thượng viện đã chất vấn các quan chức quốc phòng và ngoại giao tại phiên điều trần về việc lựa chọn các địa điểm mà bà cho là không có mục đích liên quan đến việc hiện đại hóa quân đội Philippines.

Bà cho rằng ở phía bắc, nơi đặt những căn cứ EDCA mới, không dễ bị tổn thương. Bà nói: “Ngư dân ở Cagayan và biển Ilocos không bị ai quấy rối”.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Philippines - ông Carlito Galvez Jr. cho biết các địa điểm được chọn để tăng cường khả năng phòng thủ bên ngoài của đất nước và giải quyết điểm yếu của Philippines ở phía bắc. Theo ông, các địa điểm được lựa chọn với mục tiêu bảo vệ các lợi ích hàng hải của Philippines bao gồm ở Benham Rise và cả biển Tây Philippines.

Tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Philippines - ông Andres Centino giải thích việc đặt căn cứ Balabac ở Palawan và Sta. Ana ở Cagayan mang tính chiến lược vì quân đội đang triển khai lực lượng tại khu vực đó.

Việc mở rộng các địa điểm EDCA sang các phần phía bắc và phía tây của Philippines đã khiến Trung Quốc cảnh báo rằng điều này sẽ gây bất ổn cho hòa bình trong khu vực và có thể kéo Manila vào cuộc xung đột ở Đài Loan.

Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc (TQ) Tần Cương sẽ tới Philippines vào ngày 21-4 trong bối cảnh quan hệ hai bên vốn đã phức tạp do tranh chấp Biển Đông nay đang phải đối mặt với sự bất ổn ngày càng tăng liên quan vấn đề Đài Loan, theo tờ South China Morning Post.

Đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của ông Tần tới quốc gia Đông Nam Á này kể từ khi ông nhậm chức Bộ trưởng Ngoại giao TQ vào cuối năm 2022. Ông cũng sẽ là quan chức cấp cao nhất của TQ đến thăm Philippines kể từ chuyến đi của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tới Bắc Kinh hồi tháng 1.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm