Mỹ, Trung Quốc có thể tham gia hòa giải Nga - Ukraine

(PLO)- Với viễn cảnh xung đột Nga - Ukraine có nguy cơ kéo dài, Mỹ cần cách tiếp cận mới về giải pháp hòa bình và Trung Quốc có thể là một yếu tố cân nhắc.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Dựa trên nội dung các tài liệu an ninh mật của Mỹ bị rò rỉ thời gian qua, Ukraine nhiều khả năng sẽ mở chiến dịch phản công khoảng cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5 và sẽ tung ra các lực lượng đã tham gia huấn luyện ở các nước phương Tây.

Tuy nhiên, theo tài liệu, quân đội Ukraine bị đánh giá đang gặp rất nhiều khó khăn, lực lượng bị tổn thất lớn trong khi binh sĩ mới bổ sung không đủ thời gian huấn luyện, đạn dược bị thiếu thốn nghiêm trọng. Nhiều chuyên gia lo ngại đợt phản công sắp tới nếu diễn ra có thể sẽ không hiệu quả như Ukraine mong muốn, tệ hơn nếu thất bại sẽ tạo sơ hở cho một chiến dịch phản công ngược lại từ Nga.

Với bối cảnh trên, ông Stephen Walt, giáo sư đầu ngành về quan hệ quốc tế thuộc ĐH Stanford (Mỹ), trong bài viết mới đây cho tạp chí Foreign Policy đã đề xuất Mỹ nên có phương án dự phòng, trong đó mục tiêu lớn nhất là lập lại hòa bình ở Ukraine, không để xung đột kéo dài thêm. Tuy nhiên, Mỹ có thể cần phải hợp tác với Trung Quốc (TQ).

Binh sĩ Ukraine trong một chiến hào ở TP Bakhmut, tỉnh Donetsk, vùng Donbass (miền Đông Ukraine). Ảnh: AFP

Binh sĩ Ukraine trong một chiến hào ở TP Bakhmut, tỉnh Donetsk, vùng Donbass (miền Đông Ukraine). Ảnh: AFP

TQ và vai trò trung gian trong xung đột Nga - Ukraine

Cuối tháng 2, TQ công bố tài liệu 12 trang nêu lập trường của nước này về một giải pháp cho xung đột Nga - Ukraine. Nội dung chủ yếu nhấn mạnh các đề nghị về đối thoại hòa bình giữa Moscow và Kiev, tôn trọng chủ quyền của hai bên, chấm dứt trừng phạt kinh tế, cũng như kêu gọi tất cả các bên tránh leo thang hạt nhân. TQ muốn cộng đồng quốc tế tích cực vận động các bên liên quan cùng ngồi vào bàn đàm phán.

Đến tháng 3, trong cuộc gặp trực tiếp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch TQ Tập Cận Bình, TQ cùng Nga tiếp tục đưa ra tuyên bố chung về xung đột ở Ukraine. Trong đó, Bắc Kinh và Moscow nhấn mạnh cần tuân thủ Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế, đồng thời Moscow cam kết nỗ lực nối lại đàm phán với Kiev. Nga cũng đánh giá cao sự sẵn sàng của TQ đóng vai trò tích cực trong giải quyết chính trị - ngoại giao cho cuộc khủng hoảng Ukraine.

Về phía Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky từ năm ngoái đã nhiều lần đề cập rằng TQ là một thành viên trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có vị thế kinh tế - chính trị để thuyết phục Nga rút khỏi Ukraine. Kiev cũng không phản đối mạnh giải pháp hòa bình mà TQ đưa ra và đã gửi bản kế hoạch hòa bình của riêng mình cho TQ bổ sung. Ông Zelensky cũng đã ngỏ lời muốn đối thoại với ông Tập nhưng tới nay chưa có câu trả lời chính thức từ TQ.

Các diễn biến này cho thấy không chỉ đơn phương TQ chủ động muốn trở thành trung gian cho Nga - Ukraine, mà cả Kiev và Moscow cũng công nhận vị thế của Bắc Kinh. Nhiều chuyên gia phương Tây cũng đồng ý rằng TQ có mức độ ảnh hưởng đáng kể lên Nga, nhất là khi kinh tế hai nước thời gian qua trở nên liên kết hơn bao giờ hết trong bối cảnh Mỹ và đồng minh siết cấm vận Nga.

Việc để chiến tranh kéo dài và không có động thái chấm dứt nó cũng ảnh hưởng lên hình ảnh của TQ và Mỹ trước phần còn lại của thế giới.

GS STEPHEN WALT, ĐH Stanford (Mỹ)

Viễn cảnh hợp lực giữa Mỹ và TQ

Theo GS Walt, về cơ bản, TQ vẫn đang hưởng lợi từ xung đột Nga - Ukraine. Xung đột làm Mỹ và phương Tây bị phân tán tập trung và không thể đẩy mạnh hiện diện ở châu Á - nơi TQ xem là “sân nhà”, chưa kể các lợi ích từ việc tăng cường hợp tác kinh tế sâu rộng với Nga. Tuy nhiên, xung đột Nga - Ukraine kéo dài lại có nguy cơ ảnh hưởng tới nhiều mục tiêu chiến lược của TQ như tăng cường quan hệ với châu Âu, từng bước tách rời khu vực này khỏi ảnh hưởng của Mỹ. Do đó, ông Walt cho rằng việc TQ muốn cuộc xung đột kết thúc sớm là có cơ sở và trong hoàn cảnh thích hợp, nước này sẵn sàng sử dụng ảnh hưởng của mình để đạt được mục đích đó. Chưa kể, nếu TQ thành công với vai trò trung gian sẽ còn có thêm một tác dụng khác là làm suy yếu hơn nữa hình ảnh cường quốc lãnh đạo thế giới của Mỹ.

Theo GS Walt, Mỹ nên chủ động đề nghị hợp tác với TQ để tránh Bắc Kinh biến hòa giải Nga - Ukraine thành “chiến thắng ngoại giao trước Mỹ”. Theo đó, Washington sẽ sử dụng ảnh hưởng của mình để tác động lên Ukraine, còn Bắc Kinh sẽ thuyết phục Nga.

“Tuy chuyện này nghe có vẻ xa vời nhưng trong lịch sử đã có một số tiền lệ cho kiểu hợp tác giữa các cường quốc như thế này. Đơn cử, Mỹ và Liên Xô từng cùng nhau ủng hộ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an nhằm chấm dứt xung đột giữa khối Ả Rập và Israel năm 1967, thiết lập lệnh ngừng bắn giữa hai bên sau khi giao tranh tiếp tục nổ ra vào năm 1973” - GS Walt nhắc lại.

Ngoài ra, chuyên gia này cũng chỉ ra một lợi thế khác nếu Mỹ và TQ cùng làm trung gian đó là sẽ khó có khả năng vấp phải phản đối từ phía Moscow hay Kiev vì cả hai nước ủng hộ chính của họ đều cùng có mặt.

Sự có mặt của hai cường quốc này sẽ khiến Moscow và Kiev yên tâm hơn rằng quyền lợi và yêu cầu của mình sẽ được lắng nghe và quan tâm, thay vì chỉ có đơn phương Mỹ hoặc TQ đứng ra làm trung gian. Thỏa thuận đạt được sau đàm phán cũng sẽ được Nga và Ukraine tuân thủ chặt chẽ hơn. GS Walt tin tưởng nếu TQ và Mỹ thực sự muốn dàn xếp một giải pháp hòa bình thì cách thức hợp tác như vậy có thể sẽ mang tới thành công.•

Hợp tác Mỹ - Trung sẽ không dễ dàng

GS Walt thừa nhận để có được sự hợp tác thực chất giữa Mỹ và TQ nhằm giải quyết xung đột Nga - Ukraine không phải chuyện dễ dàng. Theo ông, một hòa ước thực sự sẽ yêu cầu nhiều điều khoản về rất nhiều vấn đề nhạy cảm và sẽ mất rất nhiều thời gian để đạt được sự đồng thuận giữa Nga và Ukraine. Điều này đòi hỏi một sự phối hợp nghiêm túc từ TQ và Mỹ giữa lúc quan hệ hai bên đang căng thẳng.

Hơn nữa, giới chức Washington có thể ngần ngại để TQ tham gia hòa giải vì lo sẽ ảnh hưởng tới nỗ lực hâm nóng quan hệ Mỹ - châu Âu, cũng như ảnh hưởng tới nỗ lực xây dựng liên minh chống TQ. Về phía TQ, rủi ro rõ ràng là khi xung đột Nga - Ukraine kết thúc thì Mỹ và đồng minh sẽ nhanh chóng dồn toàn bộ chú ý về phía châu Á.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm