Phim chiến tranh "Trung uý": Nóng bỏng và… gây cười

Trung úy có lẽ là một trong những bộ phim hiếm hoi có “thai kỳ” lâu đến vậy: 15 năm ấp ủ ý tưởng kịch bản, 3 năm kịch bản nằm trên bàn duyệt và cũng phải thêm 3 năm nữa để phim ra đời.

Trong quãng thời gian khá dài ấy, khi phim chưa ra mắt, những tuyên bố “gây sốc” của đạo diễn kiêm tác giả kịch bản Hà Sơn đã làm “nóng” các trang báo. Hệ quả của chiêu PR hơi... quá liều này là 2 xu hướng trái ngược. Một bên thì tò mò muốn xem hình hài bộ phim ra sao, dù thực tế, dự án mới chỉ ở... trên giấy. Còn phía kia thì cho rằng: ông đạo diễn này... “nổ” quá, chắc phim chả ra gì.

Phim chiến tranh "Trung uý": Nóng bỏng và… gây cười ảnh 1

Trung úy còn “nóng” hơn thế

Phe này cũng có lý, bởi Hà Sơn, đã bước sang tuổi 60, từng học điện ảnh ở Nga, “tiểu sử” đạo diễn cũng có cả phim nhựa và truyền hình, song chưa để lại dấu ấn gì thật đặc biệt... Người viết đã từng đọc kịch bản văn học Trung úy in trong tập Gọi cá của Hà Sơn, vậy mà vẫn mang nỗi hồ nghi cho tới tận khi buổi chiếu phim bắt đầu vào tối 18/10 vừa qua tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia.

Câu chuyện về tình yêu và sự sống

Trung úy mang thông điệp về tình yêu và sự sống. Nó không cường điệu về quá khứ chiến tranh. Hà (Thiện Tùng đóng) gặp và đem lòng yêu y tá Phương (Bảo Kỳ) trên đường ra mặt trận... Đơn vị của Hà có nhiệm vụ đánh sân bay - nơi có những chiếc máy bay sẽ thả bom huỷ diệt sự sống của con người. Nhiều đồng đội của anh đã phải hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ. Duy chỉ có cô gái dân tộc tên Xi Pha (Quách An An), có “nghề” buôn hàng lậu từ bọn lính trong sân bay, là biết lối vào khu quân sự này một cách an toàn nhất... Xi Pha đầy khao khát và đã đến tuổi... “bắt chồng”. Cô đã để mắt đến Hà ngay từ lần gặp đầu tiên...

Thế rồi, để được chỉ đường vào sân bay, Hà đã phải dùng đến... “mỹ nam kế”. Những cảnh “nóng” nhất khiến Trung úy bị dán nhãn cấm trẻ em 16 tuổi là đây... Trên màn ảnh rộng, có lẽ chưa bao giờ có cảnh nào “nóng” như thế... Sau đó, đơn vị của trung uý Hà đã lập chiến công phá tan sân bay địch. Hà đã được phong anh hùng nếu như Xi Pha không đi tìm... chồng khi sắp đến ngày sinh nở...

Tổ chức đã không chấp nhận một người lính “có tì vết” về lối sống. Hà lành lặn trở về quê hương trong sự xì xào của bà con lối xóm khi cuộc chiến đã lấy đi những người đàn ông cuối cùng. Người mẹ không chịu nổi cú “sốc” này. Hà lại phải ra đi. Anh được đưa đến một nơi, mà người dẫn truyện kể rằng: “... Mẹ tôi đã chết. Và nếu trung úy cũng đã chết, họ sẽ gặp nhau ở một thế giới khác và họ sẽ lại yêu nhau...”.

Cũng được và chưa được

Sau ồn ào xung quanh những thông tin về vị đạo diễn bị cho là “dùng cảnh nóng để câu khách”, người ta đã đặt câu hỏi: liệu Trung úy sẽ mang lại cho khán giả những gì?

Trung uý gây cảm giác thích thú và khiến khán giả cười ngay ở những lời độc thoại đầu tiên. Nhân vật tôi dẫn truyện kể lại cuộc đời của người cha: “...cha tôi đã gặp người đàn bà đầu tiên trên đỉnh dốc ấy, nhưng đó không phải mẹ tôi...”. 5, 10, rồi không thể đếm nổi số lần khán giả trong rạp chiếu cười nghiêng ngả... Đến mức, cuối buổi chiếu, một khán giả trẻ đã nói rằng: không ngờ phim chiến tranh lại... “funny” (buồn cười) đến thế...

Quách An An là một ca sĩ tay ngang đóng phim. Kỳ vọng ở cô một vai diễn để đời là điều... không tưởng. Nhưng đạo diễn chọn cô vào vai Xi Pha khá hợp. Quách An An diễn, mà như không diễn vai một cô gái dân tộc sống bản năng, ít hiểu biết, nhưng tràn đầy tình yêu thương... Những lời nói hồn nhiên của Xi Pha cũng “cù” cho khán giả cười không ít lần. Còn Thiện Tùng và Bảo Kỳ chưa hoàn toàn khiến khán giả hài lòng, nhưng không thể chê... mà phải nói: cũng được!

Tuy vậy, đặt cạnh nhiều “cũng được” vẫn còn những chưa được. Những cảnh kỹ xảo trong phim hơi... lộ. Khán giả khó tính chắc khó chấp nhận cảnh... giả như vậy trên màn ảnh. Vài tình tiết hơi hẫng vì có lẽ đó là kết quả của những lần cắt phim?

Chiều 18/10, trong cuộc tọa đàm về sản xuất phim Việt, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Lê Ngọc Minh đưa thông tin: các suất chiếu Trung úy đã... cháy vé. Ngay tại hội trường Nhà hát Lớn, Hà Sơn lập tức đứng dậy cười hoan hỉ.

Số phận của Trung úy, một trong 2 phim truyện của VN tranh giải tại LHP lần này còn phải chờ quyết định của một BGK quốc tế (sẽ được công bố vào tối mai (21/10). Còn sau hai suất chiếu trong khuôn khổ LHP Quốc tế Việt Nam, đến “cha đẻ” của Trung úy - đạo diễn Hà Sơn - còn chưa biết bao giờ phim lại được ra rạp.


Theo Thu Hằng (TT&VH)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm