Phim kinh dị Việt: Chỉ luẩn quẩn với ma

Đôi khi khán giả còn thấy hài hước bởi máu me chả ra máu me, oan hồn chả ra oan hồn. Chính điểm này làm người xem nhàm chán khi phải coi lặp đi lặp lại hình ảnh ma, bối cảnh. Nhiều người vẫn kết luận: chưa phim nào qua mặt được Con ma nhà họ Hứa!

Vào ngày 22-7 sắp tới, bộ phim được cho là phim tâm lý kinh dịGiữa hai thế giới của đạo diễn Vũ Thái Hòa sẽ ra mắt các rạp trên toàn quốc. Và vào mùa Giáng sinh năm nay, dự kiến Lời nguyền huyết ngải (tựa cũ là RH108) - bộ phim kinh dị thứ hai trong năm của điện ảnh Việt sẽ ra mắt khán giả. Có thể nói đây là dấu hiệu trở lại của dòng phim kinh dị trong điện ảnh Việt.

Ma như... hề!

Gần đây, hai bộ phim tạm cho có yếu tố kinh dị để nhát ma khán giả đều được chiếu trong mùa phim tết 2010 và 2011 là Khi yêu đừng quay đầu lạiBóng ma học đường. Mô típ cả hai phim đều có cảnh ma pha chút hài. Thế nhưng ngoài yếu tố hài hước thì yếu tố ma - yếu tố để thu hút khán giả đến rạp xem loại phim này lại không được làm đến nơi đến chốn. Một khán giả sau khi xem Khi yêu đừng quay đầu lạiý kiến trên một diễn đàn: “Chỉ thấy cặp đôi nhân vật chính yêu nhau theo kiểu minh họa cho một chuyện thần thoại Hy Lạp nào đó, ra khỏi rạp rồi chỉ còn ấn tượng về tiếng kèn do hồn ma thổi chói hết cả tai chứ chẳng có gì kinh dị hết. Vừa tức cười vừa tiếc tiền mua vé...”.

Bóng ma học đường cũng là bộ phim được khán giả mong đợi bởi đây là phim 3D đầu tiên và cũng là 3D ma. Khán giả mong với kỹ thuật 3D thì ma trong phim Việt trông ghê hơn. Thế nhưng các hiệu ứng kỹ xảo làm chưởng, đầu lâu... khiến nhiều khán giả phải bật cười lắc đầu vì công nghệ 3D quá thô sơ. Chưa kể, các ma học đường của Elly Trần, Ngọc Diệp và Thiên Minh với hóa trang mắt tô đậm, môi đen, môi bóng khiến khán giả thấy gớm chứ không ghê rợn. Trùm ma (Hoàng Sơn đóng) trong phim Bóng ma học đường được nhà sản xuất giới thiệu là con ma cổ trang, độc ác, nham hiểm để điều khiển nhóm ma teen. Nhưng trong phim, Hoàng Sơn hóa trang với chiếc áo choàng đen đỏ làm khán giả không thấy gì đáng sợ mà lại thấy như một chú hề vào vai ác. Xem xong Bóng ma học đường, nhiều khán giả nhận xét gọi là phim kinh dị, ma quái mà quá bình thường bởi kỹ xảo video chỉ như của học sinh mới học được vài chiêu làm ra.

Phim kinh dị Việt: Chỉ luẩn quẩn với ma ảnh 1

Trùm ma (Hoàng Sơn đóng) trong phim Bóng ma học đường là con ma cổ trang, độc ác, nham hiểm để điều khiển nhóm ma teen nhưng xem ra lại giống hề hơn ma. Ảnh: GALAXY

Càng xem càng chán

Những năm 1990, phim kinh dị Việt rục rịch trở lại với các phim của đạo diễn Nguyễn Chánh Tín, Lê Mộng Hoàng: Ngôi nhà oan khốc, Chiếc mặt nạ da người... Năm 2007 và 2008 có thể xem là năm đánh dấu sự trở lại của phim kinh dị Việt với khá nhiều phim: Mười của đạo diễn Kim Tae Kyung do Hãng phim Phước Sang sản xuất và dự án phim kinh dị Chuyện kể lúc nửa đêm của Hãng phim Chánh Phương.

Trong dự án Chuyện kể lúc nửa đêm khởi động từ năm 2007 với 100 tập phim để chiếu trên truyền hình (45 phút/tập) thế nhưng đến nay chỉ mới hai phim ra lò là Suối oan hồn, Ngôi nhà bí ẩn. Trong khi Mười là một trong những bộ phim kinh dị gần đây có cốt truyện tàm tạm nhưng phim làm khán giả thất vọng bởi yếu tố kinh dị quá mờ nhạt. Hai phim của hãng phim Chánh Phương là Suối oan hồnNgôi nhà bí ẩn, các yếu tố có thể gây kinh dị cho khán giả như máu me, xác chết, hồn ma... lại quá giả vì kỹ xảo kém.

Hầu như trong các phim ma kể trên của điện ảnh Việt, điều dễ nhận ra ma nhất là nhân vật luôn miệng “ma ma” nhưng chẳng làm khán giả sợ nổi mà chỉ thấy hài hước bởi máu me chả ra máu me, oan hồn chả ra oan hồn. Chính điểm này làm khán giả thấy nhàm chán khi phải coi lặp đi lặp lại hình ảnh ma, bối cảnh.

Giữa hai thế giới là thể loại phim gì?

Với thông tin hai dự án phim kinh dị trở lại, người trong nghề lẫn khán giả khá mong chờ một điều gì đó mới mẻ hơn cho dòng phim kinh dị Việt. Khi bộ phim Lời nguyền huyết ngải vẫn đang quay thì Giữa hai thế giới đã xong hậu kỳ và chuẩn bị ra mắt. Chưa biết hai bộ phim này sẽ... kinh dị tới mức nào, tuy nhiên xem qua phần giới thiệu (trailer) phim Giữa hai thế giới, hầu như chưa khán giả nào cảm thấy kinh dị. Một số khán giả bình luận trên các trang mạng: “Cô bác cứ thế! Phim kinh dị mà đập vào mắt là cái nhạc nền tèn tén ten, rồi cái cảnh nóng của diễn viên nhìn vào giống phim... đánh ghen thì hơn! Chả thấy nó hấp dẫn hay kinh dị gì!”. Và với Giữa hai thế giới, có nơi thì gọi là phim tâm lý kinh dị, trên một số trang mạng của các rạp chiếu phim lại gọi là phim hình sự, ma!

Bóng Con ma nhà họ Hứa quá lớn

Trước năm 1975, điện ảnh cách mạng ở miền Bắc không khai thác phim kinh dị. Chỉ có hai bộ phim kinh dị ở miền Nam là Lệ đá Con ma nhà họ Hứa. Lệ đá là bộ phim đầu tay của đạo diễn Võ Doãn Châu do hãng Cinévina sản xuất vào năm 1971 và bộ phim này đoạt giải nhất tại Đại hội điện ảnh năm 1971. Tuy nhiên, đỉnh điểm tiếng vang của phim kinh dị Việt cho đến thời điểm này vẫn là bộ phim Con ma nhà họ Hứa của đạo diễn Lê Hoàng Hoa thực hiện trong hai năm 1972 và 1973, do hãng phim Dạ Lý Hương sản xuất. Nhiều bình luận trên các trang mạng cho rằng đây là bộ phim khá đơn giản về kỹ xảo nhưng nhát ma được rất đông khán giả thời bấy giờ. Con ma nhà họ Hứa đoạt doanh thu cao nhất thời bấy giờ và để lại dấu ấn lớn trong điện ảnh Việt đến độ tên phim đã trở thành thành ngữ trong đời sống hằng ngày hiện nay.

QUỲNH TRANG

Kỳ tới: Phim kinh dị Việt: Dở do đâu?

Do kịch bản, diễn viên, kỹ xảo... hay do duyệt phim quá gắt làm các nhà làm phim lụt tay?

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm