Thời gian gần đây, tác phẩm live-action The Lion King làm lại từ phim hoạt hình cùng tên của ông lớn Disney vừa được ra mắt. Ngay lập tức, phim trở thành hiện tượng phòng vé với doanh thu hơn 700 triệu USD chỉ sau một tuần công chiếu. Được đánh giá là một trong những phim hoạt hình thành công nhất mọi thời đại, Vua sư tử đã mở ra một kỷ nguyên huy hoàng cho đế chế Disney và luôn được công chúng nhắc đến như một siêu phẩm huyền thoại. Tuy nhiên, khán giả đã đào lại scandal ăn cắp ý tưởng của bộ phim từng dậy sóng một thời.
Cụ thể, tác phẩm của nhà Chuột từng bị rất nhiều fan so sánh với anime Kimba The White Lion (1965) của Tezuka Osamu bởi vô số chi tiết tương đồng trong nội dung, hình ảnh và nhân vật. Trong khi đó, Vua sư tử lại được sinh sau đẻ muộn tận năm 1994, được quảng cáo rầm rộ là bộ phim "nguyên tác" đầu tiên của Disney sau nhiều thập kỉ chỉ tập trung chuyển thể cổ tích.
Simba và Kimba
Sự tương đồng về nhân vật và hình ảnh giữa hai tác phẩm
Kimba – chú sư tử trắng xuất hiện lần đầu vào những năm 1950 thông qua bộ truyện tranh Chúa tể rừng xanh. Được sáng tác và phác thảo bởi Osamu Tezuka và được chuyển thể thành phim hoạt hình vào năm 1965 - 1966 (gần 30 năm trước khi Vua sư tử của Disney ra đời).
Tuy không thành công bằng người em Simba, nhưng Kimba cũng gây được không ít tiếng vang trong nước, thậm chí còn được lồng tiếng và trình chiếu trên truyền hình nội địa Mỹ vào cuối những năm 1960.
Nhưng điều làm người hâm mộ Nhật Bản bất ngờ nhất là sự tương đồng giữa hai cốt truyện, trong Chúa tể rừng xanh, Kimba là một chú sư tử trắng có cha từng là Chúa tể của khu rừng, nhưng khi cha của mình bị hãm hại, Kimba bị lạc tới một nơi rất xa. Sau một thời gian, Kimba tìm về quê hương của mình để đối đầu với nhân vật sư tử phản diện Claw cùng với bầy thuộc hạ linh cẩu.
Nếu giấu đi tên nhân vật, đa phần mọi người sẽ không phân biệt được câu chuyện trên là của Kimba hay Simba.
Sự giống nhau đến kì lạ
Điểm đáng chú ý nhất là dàn nhân vật của hai phim cũng giống nhau từ tạo hình cho đến tính cách của từng loài động vật trong phim gần như được giữ nguyên từ bản hoạt hình của Kimba.
Simba và Kimba
Nhân vật phản diện cũng cùng chột một bên mắt
Đến bầy linh cẩu...
...Và vị quân sư của nhà vua là một chú khỉ cũng giống nhau.
Phản ứng của Disney
Trong khi có vô số ý kiến trái chiều từ người hâm mộ, Disney luôn truyền thông như đó là kịch bản gốc của mình. Trong một buổi phỏng vấn với tờ Los Angeles Times, đạo diễn Rob Minkoff không những phủ nhận mọi tin đồn mà còn nhấn mạnh rằng ông chỉ biết Kimba khi đến Nhật Bản để quảng cáo cho Vua sư tử.
Họa sĩ Tom Sito thuộc đội sáng tác của Disney cho rằng: "Chắc chắn không có chuyện lấy ý tưởng từ Kimba mà do đội ngũ làm phim The Lion King trưởng thành ở thập niên 1960, vì vậy việc trùng lặp ý tưởng là do họ bị ảnh hưởng bởi các hình ảnh từ tuổi thơ".
Những họa sĩ của phim chia sẻ
Ngay cả các diễn viên lồng tiếng cho dự án The Lion King cũng thừa nhận ban đầu tưởng rằng mình sẽ lồng tiếng cho nhân vật Kimba, nhưng rồi anh nhận ra mình sẽ lồng tiếng cho một chú sư tử khác có tên Simba. Việc giống nhau từ ý tưởng chỉ hoàn toàn là tình cờ.
Series hoạt hình nổi tiếng - Gia đình Simpsons còn chế giễu sự nhầm lẫn trên bằng một phân đoạn, trong đó có hình ảnh Vua sư tử hiện trên mây và nói: "Hãy trả thù cho cha, Kimba... à nhầm, Simba".
Có điều, giống như 25 năm trước, sự giận dữ của fan Tezuka Osamu không đủ để lấn át tiếng gầm của Vua sư tử tại phòng vé. Bộ phim vẫn bình thản hốt bạc và nhận được cơn mưa lời khen từ công chúng cũng như giới phê bình.