Phó bí thư Đồng Nai ‘chống lưng’ công ty của chồng

Sau thông báo của Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương về các sai phạm nghiêm trọng của bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, dư luận trong tỉnh cho rằng bà có dấu hiệu dùng quyền lực giúp sức cho chồng thắng  nhiều dự án trong địa bàn khi bà còn là phó chủ tịch tỉnh.

Thanh tra đang làm rõ sai phạm

Chiều 4-7, trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, ông Bùi Thanh Trúc, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai (Donacoop), người đã gửi đơn đến UBKT Trung ương tố cáo bà Phan Thị Mỹ Thanh, cho biết: “Về mặt Đảng thì bà Thanh đã bị kỷ luật cảnh cáo. Thanh tra Chính phủ đang thanh tra Công ty Cường Hưng của gia đình bà Thanh. Tôi đã đề nghị xử lý Công ty Cường Hưng chiếm dụng vốn của Donacoop nhiều tỉ đồng và vụ việc Thanh tra Chính phủ đang làm rõ nên chưa thể nói thêm gì”.

Trước đó, ông Trúc gửi đơn tố cáo bà Thanh trong thời gian làm phó chủ tịch tỉnh Đồng Nai đã lợi dụng quyền lực ép Donacoop ký hợp đồng với Công ty TNHH Cường Hưng (do ông Đỗ Tịnh, chồng bà Thanh, làm giám đốc kiêm chủ tịch HĐTV) từ hợp tác kinh doanh có lợi nhuận sang hợp đồng hỗ trợ vốn (chuyển cho Cường Hưng - PV) không tính lãi. Ông cũng tố cáo bà Thanh nhiều lần thay mặt ông Tịnh đứng ra chủ trì cuộc họp công ty của chồng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn ký duyệt giao những dự án đầu tư cho ông Đỗ Tịnh như dự án BOT tuyến đường chuyên dùng vận chuyển đất đá mỏ đá Tân Cang; ký duyệt cho công ty của chồng tổ chức kinh doanh cảng thủy nội địa...

Theo tìm hiểu của PV, vào đầu tháng 6-2007, tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các đơn vị liên quan làm tuyến đường chuyên dùng vận chuyển khoáng sản tại xã Phước Tân (khi đó thuộc huyện Long Thành). Ngay sau đó, Sở GTVT tỉnh Đồng Nai đã chủ trì họp với các đơn vị và tám doanh nghiệp (DN) hoạt động khoáng sản tại khu vực xã Phước Tân, thống nhất để làm con đường chuyên dụng.

Đến đầu năm 2008, Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai giao cho Ban quản lý dự án huyện Long Thành làm đại diện chủ đầu tư, các đơn vị tham gia khai thác đá ở khu vực sẽ đóng góp kinh phí xây dựng tuyến đường theo tỉ lệ. Năm 2009, huyện Long Thành có kết luận thông báo về việc các đơn vị khai thác khoáng sản đóng góp xây dựng làm đường chuyên dụng với tổng kinh phí gần 86 tỉ đồng, chiều dài hơn 7 km, thi công vào năm 2010. Tỉnh Đồng Nai cũng có quyết định thu hồi đất để triển khai tuyến đường chuyên dụng.

Vào thời điểm này bà Phan Thị Mỹ Thanh giữ chức vụ bí thư huyện Nhơn Trạch. Khi xã Phước Tân được sáp nhập về TP Biên Hòa, kế hoạch làm đường chuyên dụng bị ngừng lại.

Bà Thanh cấp phép cho Công ty Cường Hưng kinh doanh bến thủy nội địa, vật liệu xây dựng không thuộc lĩnh vực bà phụ trách. Ảnh: V.HỘI

Lấy ngân sách hỗ trợ cho dự án công ty của chồng

Năm 2011 bà Thanh giữ chức phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, phụ trách lĩnh vực đầu tư xây dựng và công nghiệp thì không hiểu sao việc đầu tư góp vốn của các DN để xây dựng con đường chuyên dụng thay đổi sang hình thức BOT. Và chủ đầu tư dự án con đường chuyên dụng BOT này là HTX An Phát do ông Đỗ Tịnh - chồng bà Thanh làm giám đốc.

“Lúc này chúng tôi hết sức bất ngờ vì các DN mỏ đá đã đóng tiền đo vẽ, khảo sát lập dự án làm đường. Tuy nhiên, khi chuyển sang làm đường theo hình thức BOT, các đơn vị DN khai thác khoáng sản bức xúc. Tuy nhiên, bà Thanh là người ký văn bản giao cho chồng triển khai xây dựng nên không ai dám phản ứng” - ông Bùi Thanh Trúc, Chủ tịch HĐQT Donacoop, viết trong đơn tố cáo.

Sau khi đường chuyên dụng chuyển sang hình thức BOT, ngày 4-4-2013, bà Thanh (khi đó là phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai) có văn bản ký thay chủ tịch, gửi Sở GTVT, Sở KH&ĐT, Sở Tài chính... hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng dự án với nội dung: Chấp thuận hỗ trợ từ ngân sách tỉnh đối với phần giải phóng mặt bằng của dự án; tách công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án thành tiểu dự án độc lập giao cho UBND TP Biên Hòa làm chủ đầu tư. Bên cạnh đó, HTX An Phát hoàn chỉnh phương án tài chính của dự án gửi các đơn vị liên quan thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt.

Ngay sau đó, tháng 4-2013, UBND TP Biên Hòa có văn bản thực hiện theo văn bản mà bà Thanh ký đề nghị.

Năm 2015 HTX An Phát được cấp giấy chứng nhận đầu tư xây dựng con đường (hiện chưa được hoàn thiện).

Theo kết luận của UBKT Trung ương, bà Thanh đã ký văn bản chấp thuận hỗ trợ kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng dự án BOT đường chuyên dùng cho HTX An Phát nhưng không thông qua tập thể UBND tỉnh Đồng Nai, chưa báo cáo Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai là vi phạm các quy định của pháp luật về đầu tư.

Trong thông báo của UBKT Trung ương, bà Thanh ký nhiều văn bản có lợi cho Công ty Cường Hưng trong các dự án khu dân cư thương mại xã Phước Tân; cấp phép, gia hạn cho Cường Hưng kinh doanh bến thủy, kinh doanh vật liệu xây dựng không thuộc lĩnh vực phụ trách…

Chiều 4-7, trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, một lãnh đạo Thanh tra Chính phủ cho biết: Đoàn thanh tra do Thanh tra Chính phủ vẫn đang thanh tra toàn diện Công ty Cường Hưng và làm rõ các đơn thư tố cáo liên quan đến hoạt động của Công ty Cường Hưng.

Theo thông tin PV nắm được, ông Đỗ Tịnh, Giám đốc Cường Hưng, đã cho con gái sở hữu số cổ phần trị giá gần 25 tỉ đồng tại công ty.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới