Phó Chủ tịch Quốc hội: Sửa luật để giảm tải ở các bệnh viện tuyến trên

(PLO)- Ngày 14-5, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã dự Phiên họp toàn thể lần thứ 6 của Ủy ban Xã hội của Quốc hội tại Đà Nẵng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong hai ngày 13 và 14-5, Phiên họp toàn thể lần thứ 6 của Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã được tổ chức tại TP Đà Nẵng.

Tại các phiên họp này, Ủy ban đã thẩm tra dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), xem xét các nội dung về y tế; thẩm tra về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); cho ý kiến về dự thảo Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), xem xét các nội dung về lĩnh vực lao động, thương binh, xã hội và một số hoạt động giám sát, lập pháp khác của Ủy ban.

Ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho biết đối với dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Thường trực Ủy ban Xã hội và các thành viên cần quan tâm các nội dung trọng tâm.

Bởi việc sửa đổi lần này cần phải giải quyết được các vấn đề bất cập hiện nay như: Tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, lạm dụng khoa học công nghệ và kỹ thuật cao, thiếu kiểm soát trong tự chủ đối với cơ sở y tế. Cần có cơ chế để phát huy vai trò và hiệu quả của y tế tuyến cơ sở và nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh ở cả cán bộ y tế và cơ sở khám chữa bệnh.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp ngày 14-5. Ảnh: TA

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp ngày 14-5. Ảnh: TA

Đối với dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), ông Mẫn cho biết việc sửa đổi phải bảo đảm thể chế quan điểm, chủ trương, chính sách được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII và các nghị quyết của Đảng về xây dựng gia đình trong tình hình mới, tiếp tục bám sát phương pháp tiếp cận quyền con người, bảo đảm quyền con người. Làm rõ những hạn chế thuộc quy định của Luật hay do tổ chức thực hiện để sửa đổi cho trúng, cho đúng; rà soát hơn ba nhóm nội dung chính sửa đổi để bảo đảm phải tiến bộ hơn.

Dự thảo luật cần tập trung vào các vấn đề về phạm vi sửa đổi, các hành vi bạo lực để bảo đảm bao quát các trường hợp bạo lực trong gia đình phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.

Nghiên cứu quy định cụ thể về xã hội hóa trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình để thu hút, tăng cường nguồn lực thực hiện công tác này. Đồng thời, cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và cơ chế phối hợp liên ngành bảo đảm cho hoạt động quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình.

Ngoài ra phải bảo đảm tính khả thi cao của các quy định, kịp thời bảo vệ người bị bạo lực gia đình và người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm