Phó Chủ tịch TP.HCM Võ Văn Hoan: Cán bộ không chia sẻ bức xúc của dân thì xã hội trì trệ

(PLO)- Sở, ngành TP.HCM phải đưa cán bộ, công chức về địa phương đối thoại trực tiếp với người dân và dung nạp lại các khiếm khuyết của pháp luật để về kiến nghị.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 24-5, Đảng ủy Khối Dân – Chính - Đảng TP.HCM tổ chức hội nghị tập huấn chuyên đề về công tác dân vận chính quyền, việc thực hiện dân chủ trong nội bộ cơ quan, đơn vị năm 2024.

ong-vo-van-hoan.JPG
Toàn cảnh buổi báo cáo của Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan. Ảnh: LT

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đã báo cáo chuyên đề về công tác thực hiện hiệu quả dân vận chính quyền gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Theo Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan, lãnh đạo nào cũng phải đặt lợi ích người dân lên trên hết, phải biết lo cho dân, dựa vào dân.

Trong công tác dân vận, ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh phải vận động không được để sót một người dân nào, tạo thành một khối thống nhất về ý chí, tư tưởng, kế hoạch hành động.

Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan cho rằng công tác dân vận ngày nay khác và khó hơn nhiều so với trước đây và đã được thể chế hóa bằng các quy định của nhà nước. Tuy nhiên không vì có quy định rồi mà quên đi công tác vận động người dân, bởi pháp luật có được thực thi hay không là nhờ vận động người dân thực hiện.

“Chúng ta phải vận động để xoay chuyển tư tưởng, tình cảm của người dân một cách kiên trì, liên tục, không thể làm một ngày, một bữa, làm theo phong trào bởi mỗi người đều có tư tưởng, suy nghĩ khác nhau”– ông Hoan nói và cho rằng dân vận phải xuất phát từ nhu cầu, lợi ích chính đáng của người dân và đừng để người dân đứng về phía đối lập với mình.

Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan: Đưa công chức sở, ngành về cơ sở để giúp dân-ong-vo-van-hoan2.JPG
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đề nghị đưa cán bộ sở, ngành về cơ sở. Ảnh: LT

Theo ông Võ Văn Hoan, ngay cả trong nội bộ từng cơ quan, đơn vị, công tác dân vận cũng phải được làm tốt.

Ông dẫn chứng có những tập thể trì trệ lâu năm, lãnh đạo đưa những người mới về làm lãnh đạo để thay đổi tập thể này. Song, khi thực hiện thì nhóm cán bộ mới về lại đối lập với nhóm còn lại, sinh ra mâu thuẫn nội bộ, cuối cùng người mới phải bỏ đi.

“Ai ủng hộ thì nói họ làm thêm, ai chưa ủng hộ thì vận động, thuyết phục, đừng đẩy họ về một phe” – ông Hoan nói thêm.

Phó Chủ tịch TP.HCM cho rằng trong hệ thống chính quyền, không ai được đứng ngoài công tác dân vận. “Chỉ cần một hành vi nhỏ của một người trong hoàn cảnh nào đó, có thể làm cho dân vận chuyển thành "dân giận”" – ông nói và đề nghị phải phát huy hệ thống chân rết ở cấp cơ sở trong quá trình vận động người dân.

Nói về vấn đề dân chủ ở cơ sở, Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan cho rằng nơi nào người lãnh đạo lắng nghe thì ấm ức, bức xúc sẽ được giải quyết.

Theo ông, pháp luật không bao phủ hết các lĩnh vực, cán bộ công chức được làm những gì pháp luật cho phép nhưng người dân, doanh nghiệp làm những gì pháp luật không cấm, đồng nghĩa có những việc không được pháp luật quy định.

“Với những việc không được quy định, họ không làm được, họ hỏi mình nhưng mình nói không được làm. Chúng ta phải có trách nhiệm tiếp nhận, báo cáo. Cán bộ không chia sẻ với bức xúc của người dân, không cập nhật, tham mưu để điều chỉnh quy định pháp luật thì xã hội không phát triển, trì trệ” – ông Hoan nói.

Từ đó, ông đề nghị phải đưa cán bộ, công chức của sở, ngành về cơ sở để giúp dân bằng nhiều cách. Theo ông, sở, ngành TP cũng phải đối thoại, gặp gỡ dân vì giải quyết khiếu nại là ở huyện, xã. Ông cho rằng với những dự án lớn, sở phải về địa phương đối thoại trực tiếp, còn các dự án nhỏ hơn cũng cử đại diện về đối thoại, giúp huyện, xã nói cho dân hiểu và hiểu nỗi khổ của người dân, để làm chính sách.

“Những người đối diện với người dân nhiều nhất lại không phải người xây dựng chính sách. Phường, xã có làm chính sách đâu, còn mình làm chính sách mà lại ít đối thoại với dân là không được”- ông nói và nhấn mạnh sở, ngành phải lắng nghe dân, giải quyết cho dân và dung nạp lại các khiếm khuyết của pháp luật để về kiến nghị.

Tinh thần đấu tranh, phản biện đang trong tình trạng thụ động

Hiện nay, cán bộ ta nghe nhiều hơn nói, chịu đựng nhiều hơn phản ứng với chính sách, nêu quan điểm, chính kiến, hình như thông tin một chiều nhiều hơn. Cái làm được thì mới nói, cái không làm được thì không nói gì.

Trong cơ quan, gợi ý ra thảo luận không có mấy người nói. Tinh thần đấu tranh, phản biện, góp ý vì cái chung hiện nay đang ở trong tình trạng thụ động. Lấy ý kiến cũng dễ hơn, hợp thức hóa hiện tượng làm thinh…

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm