Phó Thủ tướng Lê Minh Khái dự công bố quy hoạch tỉnh Đồng Tháp

(PLO)- Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 22-2, Đồng Tháp tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã đến dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

quy-hoach-dong-thap-Khai.jpg
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá, quy hoạch tỉnh Đồng Tháp được xây dựng với tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn dựa trên tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh, phù hợp với mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và bền vững.

Theo Phó Thủ tướng, quy hoạch sẽ mở ra những cơ hội, không gian phát triển mới cho tỉnh Đồng Tháp. Bản quy hoạch được kỳ vọng sẽ tạo ra xung lực mới để Đồng Tháp phát triển đột phá và tạo ra kỳ tích về phát triển kinh tế - xã hội.

đồng tháp
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trao quyết định của Thủ tướng về phê duyệt quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Để thực hiện thắng lợi những mục tiêu đặt ra, Phó Thủ tướng đề nghị Đồng Tháp khẩn trương nghiên cứu, xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh một cách chi tiết, khoa học, phù hợp với nguồn lực, điều kiện thực tiễn của địa phương. Triển khai các quy hoạch chi tiết để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp, tổ chức không gian lãnh thổ. Qua đó để điều phối, quản lý thống nhất, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, hiệu quả và phát triển bền vững với tầm nhìn dài hạn.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định, Chính phủ cùng các bộ, ngành trung ương luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi và đồng hành cùng với chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Tháp.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, Bí thư tỉnh uỷ Đồng Tháp Lê Quốc Phong tiếp thu và cho biết sẽ chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ.

quy-hoach-dong-thap- Phong.jpg
Bí thư tỉnh uỷ Đồng Tháp Lê Quốc Phong

Theo Bí thư tỉnh Đồng Tháp, để thực hiện tốt nội dung quy hoạch, bên cạnh nội lực, sự nỗ lực, đoàn kết, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và toàn thể người dân, tỉnh sẽ tranh thủ, tận dụng tối đa, hiệu quả mọi nguồn lực bên ngoài dành cho Đồng Tháp. Trong đó, chú trọng thúc đẩy các chương trình hợp tác, liên kết với các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL; tham gia thực hiện có trách nhiệm, hiệu quả, đúng tiến độ các nhóm công việc có liên quan, xem phát triển vùng vừa là trách nhiệm, vừa là cơ hội trong thực hiện quy hoạch tỉnh.

Đô thị hiện đại, nông thôn giàu bản sắc

Theo quy hoạch được phê duyệt, mục tiêu tổng quát đến năm 2030 Đồng Tháp là tỉnh có trình độ phát triển khá, nằm trong nhóm đầu về chuyển đổi số. Đồng Tháp sẽ một trong những trung tâm sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản của vùng ĐBSCL.

Tỉnh sẽ có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đô thị hiện đại, nông thôn giàu bản sắc, du lịch thân thiện và hấp dẫn, đồng thời phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, con người. Đồng Tháp duy trì vị trí nhóm đầu cả nước về các chỉ số cải cách hành chính, hiệu quả quản trị và hành chính công, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt 7-7,5%/năm; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt khoảng 160 triệu đồng/năm…

Các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển gồm: Hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, thủy sản chất lượng cao gắn với công nghiệp chế biến, thị trường tiêu thụ theo chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Trong đó tập trung nguồn lực xây dựng TP Cao Lãnh trở thành trung tâm trao đổi hàng hóa nông sản cấp vùng. Phát triển các chuỗi đô thị gắn với các vùng, hành lang kinh tế động lực của tỉnh, phù hợp với đặc thù của từng địa phương, thúc đẩy dịch vụ và du lịch.

Xây dựng cơ chế, chính sách để huy động hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường phát triển doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

Đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển với các địa phương trong vùng, kết nối với TP.HCM; tập trung phát triển Khu kinh tế cửa khẩu, hợp tác với Vương quốc Campuchia. Liên kết với các tỉnh Long An, Tiền Giang xây dựng Dự án đột phá tiểu vùng Đồng Tháp Mười thành Trung tâm dự trữ phát triển quốc gia về dự trữ nguồn nước ngọt và nguồn phù sa, khai thác tài nguyên nông nghiệp và du lịch.

Tầm nhìn đến năm 2050, Đồng Tháp là tỉnh dẫn đầu cả nước trong một số lĩnh vực nông nghiệp, trung tâm nông nghiệp, du lịch sinh thái của vùng ĐBSCL; trung tâm giao lưu phát triển kinh tế giữa ĐBSCL với các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông. Người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm