Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình: Quảng Ninh tập trung khôi phục sản xuất sau bão số 3

(PLO)- Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình yêu cầu Quảng Ninh cần triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, tập trung khôi phục các hạ tầng thiết yếu, tiếp tục hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất, sửa chữa nhà cửa, đảm bảo đời sống của các hộ gia đình bị ảnh hưởng.

Ngày 8-10, sau chuyến công tác tại Hải Phòng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cùng đoàn công tác cũng đã đến Quảng Ninh làm việc về tình hình khắc phục hậu quả mưa bão, lũ lụt; giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng hạ tầng, nhà ở xã hội, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia…

Tự lực, tự cường ứng phó bão số 3

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đánh giá cao tinh thần chủ động, trách nhiệm, tự lực, tự cường của tỉnh Quảng Ninh trong ứng phó, khắc phục hậu quả cơn bão số 3.

Đồng thời, triển khai quyết liệt Nghị quyết của Chính phủ, các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong khắc phục hậu quả cơn bão, cùng với đó đã kịp thời ban hành một số chính sách khẩn cấp hỗ trợ người dân ổn định đời sống, khẩn trương khôi phục sản xuất, kinh doanh sau bão.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: VGP

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong bối cảnh tỉnh chịu tác động nặng nề bởi cơn bão số 3, những kết quả đạt được về kinh tế-xã hội 9 tháng đầu năm 2024 của tỉnh rất đáng khích lệ. Tỉnh bảo đảm nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ chi quan trọng và các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh; hoàn thành nhiều chỉ tiêu quan trọng của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Thiệt hại bão số 3 tại Quảng Ninh rất lớn

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng cho rằng, trong phát triển kinh tế - xã hội, Quảng Ninh còn một số tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục, xử lý như tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp; 6/16 khoản thu ngân sách nội địa đạt thấp (dưới 75%); thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài mới đạt 60% kế hoạch…

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, hậu quả thiệt hại do bão số 3 gây ra đối với tỉnh rất lớn, đòi hỏi cần nhiều thời gian, nguồn lực để khắc phục. Quảng Ninh cần triển khai quyết liệt các nhiệm vụ đã được nêu tại Nghị quyết số 143/NQ-CP của Chính phủ, tập trung khôi phục các hạ tầng thiết yếu, tiếp tục hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất, sửa chữa nhà cửa, đảm bảo đời sống của các hộ gia đình bị ảnh hưởng.

Cùng với đó, chú ý hơn nữa trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, hoàn thành các dự án hạ tầng trọng điểm….

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình tới thăm Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng (KCN Việt Hưng, Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh). Ảnh: VGP

Trước đó, báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy cho biết, bão số 3 gây thiệt hại nặng nề cho tỉnh Quảng Ninh. Toàn tỉnh có 30 người chết, 1.609 người bị thương, 102.859 nhà bị tốc mái, 254 nhà bị đổ sập. Ước tính, tổng thiệt hại trên địa bàn tỉnh khoảng gần 25.000 tỉ đồng.

Sau bão, Quảng Ninh đã tập trung chỉ đạo, khắc phục nhanh chóng thiệt hại, khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh, các tiện ích cơ bản như điện, nước, viễn thông... Hỗ trợ kịp thời cho người dân trên địa bàn để đảm bảo ổn định đời sống, sinh hoạt, sản xuất.

Ông Cao Tường Huy cho biết thêm, các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh cơ bản giữ được tốc độ tăng trưởng ổn định theo đúng mục tiêu đặt ra. Tính chung 9 tháng năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 8,02%.

Về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2024, trong số 29 chỉ tiêu cụ thể thuộc các nhóm mục tiêu của Chương trình đến năm 2025, đến nay tỉnh Quảng Ninh có 25 chỉ tiêu đã đạt và vượt, 4 chỉ tiêu đã đạt từ 76,92% - 99,4%.

Về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, tính đến hết năm 2023, tỉnh Quảng Ninh có 98/98 xã (đạt 100% xã) đạt chuẩn nông thôn mới.

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn các Bộ, ngành Trung ương, tỉnh đã ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh. Ước 9 tháng năm 2024, trên địa bàn tỉnh giảm 150/246 hộ nghèo, bằng 60,97% kế hoạch năm 2024…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới