Phó Thủ tướng: Phát triển Kon Tum thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia

(PLO)- Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý phát triển Kon Tum thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia, nhất là sâm Ngọc Linh.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 16-1, UBND tỉnh Kon Tum tổ chức công bố quyết định của Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo nhiều bộ, ngành Trung ương đã tham dự hội nghị.

quy-hoach-kon-tum2.jpg
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu việc quy hoạch Kon Tum cần phải gắn liền với quy hoạch vùng Tây Nguyên. Ảnh: LK

Theo ông Lê Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, quy hoạch tỉnh Kon Tum được phê duyệt có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo. Đây cũng là cơ sở pháp lý cao nhất để thực hiện việc sắp xếp, phân bố lại không gian, thu hút đầu tư, huy động nguồn lực, nhằm khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

quy-hoach-kon-tum.jpg
Ông Lê Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, cho hay quy hoạch được phê duyệt có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh. Ảnh: LK

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, nhấn mạnh quy hoạch tỉnh Kon Tum sẽ là kim chỉ nam để các cấp, các ngành của tỉnh hoạch định các chính sách, giải pháp cụ thể trong quản lý, điều hành. Qua đó, tạo bước đột phá phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch xoay quanh bốn trụ cột chính. Trong đó đáng chú ý là phát triển Kon Tum thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước, nhất là sâm Ngọc Linh.

Đồng thời, phát triển kinh tế đô thị - công nghiệp - dịch vụ dựa trên việc tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng tại các khu vực trọng điểm. Phát triển TP Kon Tum thành một TP hiện đại, sôi động và bền vững với bản sắc riêng; là điểm nhấn về phát triển đô thị của khu vực Bắc Tây Nguyên...

Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Kon Tum khẩn trương nghiên cứu, xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh thật chi tiết, khoa học, phù hợp với nguồn lực, điều kiện thực tiễn của địa phương.... quy hoạch phải gắn liền với quy hoạch vùng Tây Nguyên.

Trao-quyet-dinh-của-chinh-phu-quy-hoach-kon-tum 5.jpg
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao quyết định của Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030. Ảnh: HP.

Tỉnh cũng cần huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của nhà nước, tư nhân và các nguồn lực hợp pháp khác để tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đảm bảo đồng bộ, hiệu quả. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực thế mạnh...

"Kon Tum cần tiếp tục ưu tiên đầu tư, phát triển hệ thống đô thị theo hướng bền vững. Đặc biệt, cần quản lý kiến trúc, cảnh quan gắn với bảo tồn, tu bổ và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc..." - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Xây dựng Kon Tum thành trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước

Theo quy hoạch, mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Kon Tum trở thành tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững và công bằng dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn, giàu bản sắc văn hóa dân tộc.

Cạnh đó, phấn đấu đưa Kon Tum trở thành một trong những địa phương trung bình khá của cả nước, là vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước, đặc biệt là sâm Ngọc Linh.

Nhiệm vụ trọng tâm đề ra trong quy hoạch là xây dựng, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường giao thông huyết mạch kết nối trung tâm vùng, trọng điểm là dự án cao tốc Ngọc Hồi - Kon Tum - Pleiku, dự án cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum. Đồng thời, xây dựng Cảng hàng không Măng Đen, hệ thống đường sắt trong tương lai.

Về đột phá không gian lãnh thổ, tỉnh tập phát triển ba trung tâm đô thị động lực, gồm trung tâm là TP Kon Tum, phía Bắc là Ngọc Hồi - Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y và phía Đông là thị trấn Măng đen - Khu du lịch sinh thái Măng Đen.

Kon Tum cũng phát triển du lịch với nhiều loại hình theo định hướng "ba quốc gia, một điểm đến" gắn liền sản phẩm là du lịch sinh thái, nông nghiệp; du lịch văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng. Trong đó, tập trung phát triển hạ tầng Khu du lịch sinh thái Măng Đen thành khu du lịch tầm cỡ quốc gia.

Dự kiến, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt trên 9,5%/năm. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng trên 110 triệu đồng/người. Tỉ lệ hộ nghèo đa chiều giảm bình quân 3%-4%/năm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm