Ngày 5-1, một lãnh đạo UBND tỉnh Kon Tum cho biết Chính phủ đã có quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Sắp tới, UBND tỉnh sẽ tổ chức lễ công bố quyết định này.
Theo quy hoạch, mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Kon Tum trở thành tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững và công bằng dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn, giàu bản sắc văn hóa dân tộc.
Phấn đấu đưa tỉnh trở thành một trong những tỉnh trung bình khá của cả nước; là vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước, đặc biệt là sâm Ngọc Linh.
Đồng thời, xây dựng tỉnh thành điểm du lịch tầm cỡ quốc gia và khu vực gắn với Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y và Khu du lịch Măng Đen. Kết nối thuận lợi với các trung tâm kinh tế - xã hội lớn của vùng, cả nước, khu vực quốc tế thuộc tiểu vùng Mê Kông và các nước láng giềng và ASEAN.
Tiếp tục phát triển tỉnh Kon Tum theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực bao gồm: công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, đô thị và nông thôn.
Dự kiến, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt trên 9,5%/năm. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng trên 110 triệu đồng/người. Tỉ lệ hộ nghèo đa chiều giảm bình quân 3%-4%/năm.
Nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường giao thông huyết mạch kết nối trung tâm vùng, trọng điểm là dự án cao tốc Ngọc Hồi - Kon Tum - Pleiku, dự án cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum. Tương lai, xây dựng Cảng hàng không Măng Đen, hệ thống đường sắt.
Về đột phá về không gian lãnh thổ, phát triển ba trung tâm đô thị động lực, gồm: trung tâm là TP Kon Tum, phía Bắc là Ngọc Hồi - Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y và phía Đông là thị trấn Măng đen - Khu du lịch sinh thái Măng Đen.
Về phát triển du lịch với nhiều loại hình theo định hướng "ba quốc gia, một điểm đến" gắn liền sản phẩm là du lịch sinh thái, nông nghiệp; du lịch văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng. Tập trung phát triển hạ tầng Khu du lịch sinh thái Măng Đen thành khu du lịch tầm cỡ quốc gia.
Trong đó, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tập trung vào các ngành hàng có tiềm năng lợi thế về vùng nguyên liệu chế biến như cà phê, cao su, cây ăn quả, dược liệu (đặc biệt là sâm Ngọc Linh).