Chiều 14-9, ông Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ, Chủ tịch danh dự “Quỹ bảo trợ học sinh dân tộc thiểu số” và báo Công An Nhân Dân, Hội Nhà báo TP.HCM trao tặng 500 suất học bổng và quà cho học sinh dân tộc Chăm.
Vừa bước vào Hội trường UBND quận 8 để tham dự buổi lễ, Phó Thủ tướng đã tới bắt tay, trò chuyện với Trưởng ban Đại diện cộng đồng Hồi giáo TP.HCM và một số em học sinh tham dự.
Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình (thứ sáu từ phải qua) cùng ông Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, tặng quà và học bổng cho các em học sinh. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
500 suất học bổng và quà được trao tặng cho các học sinh dân tộc Chăm có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP.HCM. Mỗi suất học bổng cụ thể ở cấp I, cấp II là 500.000 đồng; cấp III là 1.000.000 đồng; đại học, cao đẳng là 2 triệu đồng.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho hay nước ta có 54 dân tộc anh em. Bác Hồ kính yêu đã từng đề cao đường lối đúng đắn đoàn kết, đại đoàn kết. Dân tộc Chăm là một trong 54 dân tộc, có không gian sống sinh hoạt phong phú.
Tại TP.HCM, cộng đồng Chăm có khoảng 8.000 người, là một trong ba cộng đồng lớn nhất tại thành phố. Đồng bào Chăm yêu nước, có các thế hệ đã thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng.
Phó Thủ tướng ân cần hỏi thăm các em học sinh. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Theo ông Châu, càng ngày cộng đồng Chăm càng phát triển, hòa nhập với cộng đồng dân tộc anh em khác.
“Hôm nay, tôi rất vui mừng khi nhìn thấy cộng đồng người Chăm ngày càng có nhiều học sinh học hành đỗ đạt. Để đạt kết quả đó, trước hết là sự thay đổi trong nhận thức của bà con về việc học. Hơn nữa là sự nỗ lực của chính các cháu, sự quan tâm của thầy cô giáo, của các vị giáo cả, chức sắc; sự quan tâm của cấp ủy Đảng, đoàn thể chính quyền và các mạnh thường quân.
Đặc biệt nhất là sự quan tâm liên tục của đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ, đối với cộng đồng Hồi giáo. Cách đây hơn 20 năm, Phó Thủ tướng thường trực đã khởi động chương trình giúp đỡ các cháu học sinh người Chăm đầu tiên tại phường 1, quận 8. Sau đó, chương trình lan ra toàn quận 8 và nay là cả cộng đồng Hồi giáo người Chăm tại thành phố. Số tiền chăm lo cho các cháu ngày càng lớn dần” - ông Châu nói.
Các em học sinh tươi cười, phấn khởi khi được nhận các suất học bổng và quà. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Phó chủ tịch UBND TP.HCM nhắn nhủ: “Hiện nay cuộc sống của cộng đồng người Chăm vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đồng cảm với khó khăn của đồng bào người Chăm thành phố, trong đó có các em học sinh, để tạo điều kiện tiếp sức cho các cháu đến trường. Vì sự nghiệp trồng người cao cả, hôm nay “Quỹ bảo trợ học sinh dân tộc thiểu số” đã vận động tấm lòng của một số mạnh thường quân tích cực đóng góp, hỗ trợ cho các cháu.
Những món quà được trao tặng tuy nhỏ nhưng nó thể hiện sự quan tâm, tình cảm yêu thương của mọi người dành cho các cháu. Mong các cháu sẽ quyết tâm vươn lên trong học tập. Tôi cũng mong muốn và tin tưởng sẽ có những cháu nỗ lực phấn đấu vươn lên học giỏi và trở thành tài năng của địa phương, tài năng của đất nước”.
Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã tận tay trao những suất học bổng và quà đến các em. Phó Thủ tướng đã ân cần hỏi thăm các em và động viên các em cố gắng chăm ngoan, học giỏi đế xứng đáng với sự quan tâm của mọi người dành cho mình.
Nhận món quà từ Phó Thủ tưởng, em Sa Ny, học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Lý Thái Tổ, nở nụ cười hạnh phúc nói: “Từ nhỏ đến giờ, chưa bao giờ em có được một chiếc cặp đẹp như thế này. Số tiền nhận được, em sẽ đưa cho bố để đóng tiền học. Em vui lắm!”.
Ngồi kế bên, Na Fi Sa, học sinh lớp 3 Trường Tiểu học Hưng Phú B, bày tỏ: “Con thích lắm. Con sẽ cố gắng chăm ngoan, học giỏi”.
Thay mặt đồng bào dân tộc Chăm, ông Lý Du Sô, Trưởng ban Đại diện cộng đồng Hồi giáo thành phố, chia sẻ: “Rất nhiều năm liền Phó Thủ tướng đã dẫn đầu đoàn công tác xã hội từ thiện đến thăm, tặng quà cho học sinh, sinh viên người Chăm. Chúng tôi bày tỏ lòng biết ơn đối với Phó Thủ tướng và các mạnh thường quân đã quan tâm hỗ trợ. Chúng tôi xin hứa sẽ tiếp tục đồng hành cùng người dân TP.HCM trên tất cả các lĩnh vực của cuộc sống. Đồng bào dân tộc Chăm sẽ là những cư dân năng động, đóng góp vào phát triển chung của đất nước".