Chiều 17-1, tại TP Buôn Ma Thuột, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà dự và chỉ đạo hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phó thủ tướng đánh giá, nằm ở vị trí trung tâm của vùng Tây Nguyên, Đắk Lắk là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển trong nhiều lĩnh vực. Trong đó, có ngành nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như cây ăn trái theo hướng hữu cơ, kinh tế xanh. Có tiềm năng điện mặt trời, điện gió, phát triển du lịch với nhiều địa danh, đặc biệt là không gian cồng chiêng.
Vẫn theo Phó thủ tướng, quy hoạch của tỉnh Đắk Lắk được công bố dựa trên những thuận lợi về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, con người và được đánh giá là thủ phủ Tây Nguyên; Để nhằm cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 23 về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm Quốc phòng an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
“Để giải quyết bài toán của Tây Nguyên, khi quy hoạch thì chúng tôi đánh giá Tây Nguyên rất giàu tiềm năng. Chỉ cần nhìn vào nắng, vào gió, tài nguyên nước, nhìn đất đai bazan màu mỡ làm kinh tế nông nghiệp có nhiều thuận lợi và làm gì cũng được.
Nhưng phải giải quyết được ba mối quan hệ, đất-nước và rừng tự nhiên. Ba sự liên hệ này nó quyết định đến sự tồn tại, phát triển bền vững của Tây Nguyên và quyết định đến vị trí, tầm quan trọng trọng của Tây Nguyên đối với các vùng khác trong cả nước. Nếu không có rừng Tây Nguyên không thể tồn tại và phát triển được” – Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Phó thủ tướng đề nghị rà soát lại quy hoạch vùng Tây Nguyên hết sức quan trọng. Bởi vì, phải nhìn thấy một diện mạo của riêng Đắk Lắk trong mối liên kết giữa các vùng với nhau.
Từ đó thấy được vị trí trung tâm của Đắk Lắk ở trong mối liên kết với các tiểu vùng của Tây Nguyên, với các vùng lớn khác như vùng Duyên hải miền Trung; Đông Nam Bộ hoặc như Lào, Campuchia và với các nước Đông Nam Á. Điều này sẽ có nhiều dự án sẽ được ưu tiên đầu tư. Từ đó, sẽ làm cho Tây Nguyên nổi bật lên rất nhanh.
Phó thủ tướng đề nghị các tỉnh Tây Nguyên, trong đó có vai trò của tỉnh Đắk Lắk trong thời gian tới cần có tên trong bản đồ quy hoạch du lịch cấp Quốc gia do Bộ VH-TT&DL triển khai; đầu tư nguồn nhân lực; bảo tồn và phát triển các di sản văn hóa...
Đến năm 2050 có nền kinh tế theo mô hình tăng trưởng xanh, tuần hoàn
Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Đắk Lắk nâng cao đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân đạt mức trung bình khá của cả nước, trên cơ sở phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn, bản sắc văn hóa các dân tộc. Tỉnh Đắk Lắk trở thành điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế. TP Buôn Ma Thuột là một cực phát triển của vùng Tây Nguyên, hội nhập và liên kết theo hướng mở với khu vực và quốc tế.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ, tăng tính bền vững trong phát triển; đổi mới mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nâng cao rõ rệt chất lượng giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và y tế, văn hóa, thể dục thể thao; phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Đến năm 2050, tỉnh Đắk Lắk trở thành tỉnh có không gian sinh thái, bản sắc, kết nối sáng tạo, là điểm đến yêu thích, đáng sống. Người dân Đắk Lắk văn minh, thân thiện, hội nhập.
Đắk Lắk sẽ tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội theo cấu trúc không gian “1 trọng điểm - 3 cực - 3 hành lang - 3 tiểu vùng”. Phát triển xứng tầm các chức năng ở nhiều cấp độ vùng Tây Nguyên, quốc gia, quốc tế.
TP Buôn Ma Thuột là “Thành phố cà phê thế giới”, trung tâm đô thị vùng, trung tâm văn hóa, trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học vùng Tây Nguyên và khu vực Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ nông nghiệp quốc tế.
Đến năm 2050 là tỉnh có nền kinh tế theo mô hình tăng trưởng xanh, tuần hoàn. Quy mô kinh tế vươn lên đứng trong nhóm 25 tỉnh phát triển thịnh vượng, đứng đầu cả nước.