Sáng 15-2, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) tổ chức “Diễn đàn kinh tế Việt Nam - Nhật Bản 2023: Cùng kiến tạo đổi mới nhằm xây dựng nền kinh tế phát triển bền vững”.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tin tưởng các doanh nghiệp hai nước sẽ có thể đề xuất nhiều ý tưởng, cơ hội hợp tác mới tới Chính phủ hai bên. Qua đó góp phần làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đưa ra các giải pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác chiến lược Việt - Nhật. Ảnh: MINH TRÚC |
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, với quy mô GDP trên 409 tỷ USD, Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 trong ASEAN, xếp thứ 37 trong top 50 các quốc gia có quy mô GDP lớn nhất thế giới.
Đến nay, Việt Nam đã có gần 35.000 dự án FDI đang hoạt động, với tổng vốn đầu tư hơn 426 tỷ USD của các nhà đầu tư đến từ 139 quốc gia, vùng lãnh thổ. Với kết quả thu hút FDI tích cực, Việt Nam lần đầu tiên được Liên hợp quốc đưa vào danh sách 20 quốc gia thu hút FDI hàng đầu thế giới.
Tại diễn đàn, đại diện các cơ quan Trung ương và địa phương, chuyên gia kinh tế và các doanh nghiệp sẽ thảo luận, chia sẻ những mô hình mới, sáng kiến mới trong hợp tác kinh tế Việt - Nhật. Ảnh: MINH TRÚC |
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng, hai nước còn rất nhiều dư địa, tiềm năng hợp tác, bổ sung lẫn nhau nhất là trong lĩnh vực kinh tế.
Phó Thủ tướng đề xuất các giải pháp: Thứ nhất, tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác đầu tư giữa hai nước, nhất là trong các lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn, đồng thời chú trọng chuyển giao công nghệ cho Việt Nam, thúc đẩy chuyển đổi xanh.
Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Nhật Bản yên tâm đầu tư ổn định, lâu dài tại Việt Nam.
Thứ hai, tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác thương mại giữa hai nước. Trong đó triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương và đa phương như Hiệp định thương mại tự do song phương Việt Nam - Nhật Bản (VJFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP), Hiệp định thương mại CPTPP, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP) nhằm sớm đạt mục tiêu tiếp tục nâng cao kim ngạch thương mại song phương theo hướng cân bằng.
Thứ ba, triển khai nâng tầm đối tác chiến lược trên nền tảng số, qua đó mở ra cơ hội đầu tư và kết nối doanh nghiệp; chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về chuyển đổi số, quản trị doanh nghiệp cho các doanh nghiệp Việt Nam; và xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam.
Ông Yoshihisa Suzuki, Chủ tịch Ủy ban hợp tác kinh doanh Nhật Bản – Mekong, Phòng Công nghiệp và Thương mại Nhật Bản nhìn nhận, thời gian qua, nhiều công ty Nhật Bản quan tâm đến thị trường Việt Nam. Việt Nam được đánh giá là quốc gia hấp dẫn để doanh nghiệp Nhật mở rộng ngành dịch vụ và khởi nghiệp.
Bên cạnh đó, sự quan tâm của người Việt đến Nhật Bản ngày càng tăng. “Thông qua diễn đàn hôm nay, chúng tôi mong muốn tăng tốc sự hợp tác giữa hai nước và làm nền tảng vững chắc cho cộng đồng doanh nghiệp Việt – Nhật kết nối trên những lĩnh vực hợp tác trọng tâm”, ông Yoshihisa Suzuki nhấn mạnh.
Nhật Bản hiện là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam, là nhà tài trợ ODA lớn nhất, hỗ trợ Việt Nam trong những lĩnh vực then chốt, nhà đối tác hợp tác lao động đứng thứ 2, đầu tư và đối tác du lịch lớn thứ 3, đối tác thương mại thứ 4 của Việt Nam, với tổng kim ngạch thương mại hai chiều hai nước tính đến tháng 12-2022 đạt hơn 47 tỷ USD.
Về hợp tác đầu tư, dòng vốn FDI của Nhật Bản đã hiện diện ở 57/63 tỉnh, thành của Việt Nam. Lũy kế đến tháng 12-2022, Nhật Bản có 4.978 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 68,89 tỷ USD, đứng thứ 3 trong số 141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam dự báo có lãi trong hoạt động kinh doanh là 59,5%, tăng 5% so với năm 2021.
Đặc biệt, các dự án quy mô lớn mà các Tập đoàn kinh tế đa quốc gia hàng đầu của Nhật Bản như: Canon, Panasonic, Toyota, Honda, Yamaha, Suzuki, Mitsubishi, Sumitomo… đầu tư vào Việt Nam đã kéo theo rất nhiều nhà đầu tư vệ tinh.
Cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản là những nhân lực trẻ, năng động đang đóng góp tích cực vào sự phát triển của Nhật Bản và là cầu nối quan trọng giữa hai nước.