Sáng 3-9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 một số địa điểm trên địa bàn huyện Bình Chánh, TP.HCM.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đến từng phòng trọ để động viên, thăm hỏi bà con ở trọ. Ảnh: TÁ LÂM
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến thăm nhà trọ trên đường Trần Hữu Trí, Thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh. Chủ trọ là ông Lê Văn Nghĩa, hiện có 20 phòng trọ với 38 người đang ở trọ.
Phó Thủ tướng trò chuyện với em học sinh ở trọ. Ảnh: TÁ LÂM
Thăm một phòng trọ, khi biết trong phòng trọ có một em học sinh đang học lớp 8, Phó Thủ tướng đã gọi ra và trò chuyện với em. Phó Thủ tướng hỏi cặn kẽ từ chuyện đã được thầy cô liên hệ với em về việc học hay chưa, việc chuẩn bị sách vở, đến việc trang thiết bị học online.
“Em có sách vở để học chưa? Bây giờ học trực tuyến thì ở nhà em có máy không?” – Phó Thủ tướng hỏi em học sinh. Đáp lại em cho biết hiện chưa có sách để học, còn về thiết bị học online thì em này cho biết học qua điện thoại. Phó Thủ tướng cho rằng trong lúc này ở nhà trọ mà có điện thoại để học online cũng là tốt rồi.
Phó Thủ tướng trò chuyện với một người dân ở trọ. Ảnh: TÁ LÂM
Trò chuyện với một người dân trong xóm trọ, khi thấy một phòng trọ có rau củ quả, Phó Thủ tướng đã hỏi cặn kẽ việc cung cấp lương thực thực phẩm cho người dân khu nhà trọ. Lãnh đạo huyện Bình Chánh cho biết, ở khu trọ này, Tổ trưởng tổ dân phố sẽ đưa lương thực đến theo phiếu đăng ký của các hộ dân, mỗi tuần một lần, bộ đội và đoàn thể sẽ “đi chợ thay”.
“Có bị bom hàng bao giờ chưa” – ông Vũ Đức Đam hỏi và nhận được câu trả lời là chưa bị bom hàng. Bởi vì, theo lãnh đạo huyện Bình Chánh, trước khi triển khai “đi chợ hộ” là địa phương đã mời các đơn vị xuống làm việc.
Tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của TP.HCM về những công việc cần tiếp tục triển khai trong thời gian tới, chiều 2-9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù phải tập trung chống dịch thì TP.HCM vẫn phải đặc biệt quan tâm đối với việc dạy và học trong năm học mới, tỉ mỉ, chi tiết, thực chất hơn nữa.
Phó Thủ tướng đặt nhiều câu hỏi và yêu cầu ngành giáo dục TP.HCM phải có những giải pháp rất cụ thể như: Chuẩn bị sách vở, đồ dùng học tập đưa đến cho học sinh; hỗ trợ cho học sinh nghèo; khả năng tiếp cận phương thức học trực tuyến của học sinh nhỏ tuổi, nhất là những học sinh nghèo chưa có thiết bị để học trực tuyến…
“Đây là một năm học rất đặc biệt với rất nhiều khó khăn, nhưng tinh thần là “cái khó ló cái khôn”, tất cả vì học sinh nhưng cũng phải rất thực chất gắn với công tác chống dịch đang rất căng thẳng hiện nay” - Phó Thủ tướng nói.