Đó là những lời tâm sự của bà Vũ Thị Thu Hương (phụ huynh lớp 10A6) tại buổi Đối thoại học đường giữa Ban giám hiệu trường THPT Nguyễn Du, quận 10 với 700 phụ huynh diễn ra vào chiều tối ngày 10-3.
Phụ huynh nêu ra những bức xúc trước Ban giám hiệu trường THPT Nguyễn Du.
Bà Hương cho biết, khi vào học tại trường, con trai bà đã được tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa bổ ích. Đặc biệt các em còn được nhà trường tổ chức lễ hội halloween vào cuối năm ngoái. Một hoạt động lần đầu tiên được tổ chức tại trường. Thế nhưng, sau khi chương trình kết thúc, nơi này ngập rác. “Chưa kể, trong buổi họp phụ huynh đầu năm học, trong các hộc bàn cũng đầy rác. Điều đó cho thấy, học sinh chưa có ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh chung, bảo vệ môi trường”, bà Hương nói.
Bà Hương cho biết thêm, bà thường cho con mượn điện thoại sử dụng trong một thời gian cố định. Vì thế, bà khá bất ngờ khi thấy những đoạn hội thoại của con với các bạn có rất nhiều lời nói tục, trong đó có không ít là bạn nữ. “Đặc biệt, dù trong giờ học nhưng các con vẫn dùng điện thoại, vẫn lên facebook để tám chuyện, bình phẩm các kiểu. Vậy tôi không hiểu, các con học bài vào giờ nào. Tôi mong nhà trường có biện pháp để hạn chế việc các con sử dụng điện thoại khi vào lớp”, bà Hương mong mỏi.
Cùng nỗi lo lắng, bà Phạm Thị Ngọc Hương, có ba con trai từng học tại trường bày tỏ nỗi bức xúc: “Không biết ở trong trường học thì như thế nào, chứ ra ngoài đường, tôi thấy các em nói tục, chửi thề rất nhiều, không riêng gì học sinh trường Nguyễn Du. Vấn đề này rất đáng lo ngại, tôi mong nhà trường cần có biện pháp răn đe, giáo dục”.
Phụ huynh đều chăm chú lắng nghe những lời giải đáp của Ban giám hiệu nhà trường
Trong khi đó, phụ huynh lớp 11 A1 lại phàn nàn về việc học sinh không hài lòng về phương pháp dạy của giáo viên môn văn: “Cô nói quá nhiều, một bài học cô phải mất nhiều tiết mới giảng xong. Trong đó, có nhiều nội dung không liên quan”, vị phụ huynh này nói.
Hầu hết phụ huynh khối 12 đều bày tỏ nỗi băn khoăn, lo lắng về vấn đề thi cử, lựa chọn trường. Họ mong muốn nhà trường có kế hoạch tổ chức ôn thi sớm, có sự quan tâm đặc biệt hơn đến các em. Có phụ huynh đề nghị nhà trường nên thành lập phòng tham vấn tâm lý, để có thể giải tỏa những vấn đề khó nói ở con em mình.
Trước những gì mà phụ huynh đề cập, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng nhà trường đã giải đáp rõ ràng từng vấn đề để phụ huynh hiểu.
Ban giám hiệu nhà trường luôn lắng nghe và đã giải đáp rõ ràng từng vấn đề mà phụ huynh đề cập đến tại buổi Đối thoại học đường
Đối với việc học sinh chửi thề, xả rác, ông Phú cho biết: “Đây là điều nhà trường, thầy cô, cha mẹ không hề dạy cho các em. Có lẽ các em đã bị ảnh hưởng bởi cộng đồng. Vì thế, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường để giáo dục các em về điều này. Hiện nay, trước mỗi giờ học thể dục, thầy giáo đều bảo học sinh chạy vòng quanh trường nhặt rác. Chính điều này sẽ hình thành nên thói quen giữ gìn vệ sinh của các em. Một tín hiệu đáng mừng, thời gian gần đây, ít thấy rác xuất hiện trong hộc bàn”, thầy Phú bày tỏ.
Cũng theo thầy Phú, trường cũng thường xuyên tổ chức các buổi ngoại khóa, buổi nói chuyện có sự tham gia của các chuyên gia giáo dục, nhà tâm lý để bồi đắp thêm vốn sống cho các em.
Về việc các em sử dụng facebook trong giờ học, thầy Phú cho biết đã từng mời chuyên gia về trường nói chuyện về việc sử dụng Facebook sao cho hiệu quả. Việc nhà trường gắn wifi toàn trường cũng với mục đích để các em tra cứu thông tin, học tập tốt hơn. Thế nhưng, các em lại sử dụng wifi vào những trò chơi vô bổ. “Cho nên, thứ 2 vừa rồi, nhà trường đã ra quy định không cho học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học. Nếu em nào vi phạm sẽ bị tịch thu điện thoại, đến cuối năm học mới trả”, thầy Phú nhấn mạnh.
Liên quan đến chuyện học sinh phản ánh về cách dạy của giáo viên văn, thầy Phú cho hay, lớp 11A1 là lớp chọn của trường. Vì thế, giáo viên vào dạy ở lớp cũng có sự cân nhắc và chọn lọc kĩ càng. Hơn nữa, môn văn là một môn học rất khó. Để các em nắm nội dung bài, giáo viên không thể chỉ dạy mỗi trong sách, mà cần có sự liên hệ từ thực tế cuộc sống, từ thế giới bên ngoài. Vì dạy văn là dạy làm người. “Cho nên, tôi nghĩ đã có sự nhầm lẫn ở đây. Hoặc nhiều khi do học sinh chưa nắm bắt hết cách dạy của cô giáo”, thầy Phú nói.
Còn về kế hoạch ôn thi cho học sinh lớp 12, thầy Phú nói: “Phụ huynh cứ yên tâm, nhà trường đều đã lên kế hoạch hết. Bên cạnh chăm lo về vấn đề chuyên môn, trường còn đặc biệt quan tâm đến vấn đề sức khỏe, tâm lý cho các em. Nếu em nào có vấn đề khó nói, hãy tìm đến tôi, tôi sẽ giúp các em giải đáp. Thực tế, cho thấy từ khi trường bỏ phòng tham vấn tâm lý, số lượng học sinh tìm tới tôi ngày càng đông. Ở trường Nguyễn Du, giữa thầy hiệu trưởng và trò không có khoảng cách”, thầy Phú nói.
Hầu hết những câu hỏi của phụ huynh đều được thầy hiệu trưởng giải đáp nhiệt tình. Đối thoại học đường là một chương trình được trường THPT Nguyễn Du tổ chức hàng năm để lắng nghe nhưng tâm tư nguyện vọng cũng như giải đáp thắc mắc của phụ huynh