Xây dựng phương án gây quỹ hằng năm

Cả hai trường này đều có nhu cầu về trang bị, vận hành điều hòa cho các lớp học và phòng chức năng. Đây là yêu cầu có thật, là mong muốn và trong khả năng của hầu như tất cả bậc cha mẹ ở nội đô Hà Nội cũng như quận Cầu Giấy. Tuy nhiên, ngân sách đầu tư cơ sở vật chất cho các trường công lập không đáp ứng được.

Để giải quyết vấn đề này, cách làm mà ban đại diện cha mẹ HS hai trường đã triển khai trong mấy năm qua là thực hiện hai bước.

Đầu tiên là ban đại diện phối hợp với ban giám hiệu khảo sát nhu cầu, dự kiến chủng loại thiết bị, dự kiến kinh phí. Tiếp đó tổ chức họp phụ huynh từng lớp, trao đổi, thống nhất phương án triển khai, vận động đóng góp. Tiền thu được thì ban đại diện tổ chức mua sắm, nhà trường thì lắp đặt, nghiệm thu.

Tiền cơ sở vật chất nhà trường càng cao làm phụ huynh càng lo âu mỗi đầu năm học. Ảnh minh họa: HTD

Bước thứ hai, ban đại diện xây dựng phương án gây quỹ xã hội hóa hằng năm. Mục đích là đảm bảo kinh phí bảo trì, sửa chữa và khấu hao sử dụng, đảm bảo đến khi cần sửa chữa lớn hoặc hư hỏng đến mức phải thay thế là có đủ kinh phí thực hiện. Mức huy động sẽ được điều chỉnh mỗi năm theo trượt giá hoặc nhu cầu phát sinh mới.

Để đảm bảo tính công bằng và ổn định, bền vững cho quỹ xã hội hóa, ban đại diện thống nhất với ban giám hiệu mức huy động một lần duy nhất, áp dụng cho khối lớp đầu tiên của trường. Chẳng hạn, gia đình có con vào lớp mẫu giáo bé chỉ đóng góp một lần cho cả ba năm học ở trường mầm non; gia đình có con vào lớp 1 chỉ đóng góp một lần cho cả năm năm học tiểu học. Cụ thể, với hạng mục xã hội hóa điều hòa, ở Trường Tiểu học Yên Hòa, mấy năm qua chỉ xây dựng mức thu một lần, khoảng 500.000 đồng cho cả năm năm học. Mức vận động ấy được các gia đình có con nhập học khối 1 ủng hộ. Phụ huynh khối lớn hơn cũng thấy nguyên tắc có chi có hưởng nên cũng đồng tình.

Về phương pháp triển khai, việc thu tiền như vậy hoàn toàn do ban đại diện phụ huynh các lớp thực hiện. Kinh phí thu được thì quản lý tập trung, chuyển tài chính nhà trường giữ. Mỗi khi có nhu cầu như sửa chữa, kiểm tra điều hòa thì lớp báo về ban đại diện trường, ban đại diện trao đổi thống nhất với ban giám hiệu, rút tiền triển khai. Cuối năm, ban đại diện báo cáo tình hình thu chi và lên kế hoạch cho năm học tiếp theo.

Bà NGUYỄN KIỀU PHƯƠNGTrưởng phòng GD&ĐT quận Bình Thủy, Cần Thơ:

Đa số các trường trên địa bàn không trang bị máy lạnh

Phòng Giáo dục đã tiến hành kiểm tra, chấn chỉnh theo hướng làm rõ khoản thu có phù hợp hay không. Nếu đa số phụ huynh đồng ý thì thu, còn phụ huynh nào không đồng tình thì không thu, họ có thể mang từ nhà vào cho con em của mình chứ không ép đóng.

Đa số các trường trên địa bàn không trang bị máy lạnh cho HS, phòng cũng tuyệt đối cấm các trường đề xuất thu khoản này. Tuy nhiên, có nhiều phụ huynh thấy con em mình ở lớp học chịu nóng nực nên đề xuất đóng góp trang bị máy lạnh, thậm chí có mạnh thường quân tặng luôn cho trường nhưng trường cũng phải cân nhắc kỹ vì những khoản chi phí đó rất lớn.

Bà LÂM THANH LIỄUTrưởng phòng GD&ĐT quận Ninh Kiều, Cần Thơ:

Cấm tuyệt đối trang bị máy lạnh

Phòng cũng vừa đi kiểm tra tình hình thu phí đầu năm ở các trường và chưa phát hiện tình trạng thu trái quy định. Qua kiểm tra thì các trường không có vận động phụ huynh đóng góp. Hiện nay, một số trường đang xin ý kiến phụ huynh về việc dạy các môn khoa học bằng tiếng Anh theo chỉ đạo của Sở Giáo dục. Phía phòng có hướng dẫn thu chi rõ ràng, các khoản thu phải xin ý kiến Sở và UBND.

Về việc trang bị máy lạnh thì không cho phép. Trước đây như thế nào không biết nhưng bây giờ thì cấm tuyệt đối, dù cho phụ huynh đề xuất trang bị cũng không đồng ý.

Ông HUỲNH THANH PHÚHiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, TP.HCM:

Đừng biến cuộc họp thành cuộc quyên góp

Họp phụ huynh là để tìm giải pháp chia sẻ với phụ huynh việc học hành của con em họ. Điều tôi mong muốn ở phụ huynh là làm cái gì cho nhà trường để hỗ trợ trong công tác giảng dạy các em. Đừng biến cuộc họp thành cuộc quyên góp, cuộc vận động đóng tiền. Tôi cho rằng việc đóng góp của phụ huynh rất có ích cho nhà trường nhưng chúng ta phải làm dựa trên tinh thần là vui. Phụ huynh vui và hiểu được kế hoạch của nhà trường thì sẽ mang lại kết quả rất tốt.

Ông PHẠM CÔNG ĐỊNH,có con học tại Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, quận Tân Phú, TP.HCM:

Đóng ít tiền thì sợ cô thầy gây khó khăn cho con mình

Mặc dù các khoản đóng góp là tự nguyện nhưng tôi nghĩ đã là tự nguyện sẽ có người đóng ít, đóng nhiều. Mình đóng ít tiền quá thì sợ cô thầy có gây khó khăn gì cho con mình không? Bạn bè có trêu chọc nó không? Thương con, sợ con mặc cảm, bố mẹ đành phải chạy vạy tiền để đóng góp cho con được bằng bạn bằng bè. Mà như vậy thì đâu còn là tự nguyện nữa.

Bà LÊ THU HƯƠNG, phường 13, quận Tân Bình, TP.HCM:

Vô tình tạo cho đứa trẻ có tính tự kiêu

Do HS đang ở tuổi hình thành nhân cách nên trường cần tạo một môi trường công bằng. Nếu cứ để phụ huynh từng lớp tự lo cơ sở vật chất cho lớp của con mình, vô tình tạo cho đứa trẻ mà bố mẹ có điều kiện nảy sinh tính tự kiêu. Trái lại, những đứa trẻ nghèo luôn cảm thấy tự ti vì bị đối xử không công bằng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm