Nhân viên y tế ngoài việc trực tiếp chăm sóc, theo dõi sức khỏe cho trẻ còn phải thông tin, tuyên truyền các loại dịch bệnh. Công việc quan trọng như vậy nhưng hiện nay do vướng quy định nên các trường mầm non không có nhân viên y tế chuyên môn hoặc phải kiêm nhiệm.
Làm sao yên tâm gửi con cho trường!?
Phản ánh tới Pháp Luật TP.HCM,một phụ huynh có con đang học tại Trường Mầm non Phú Hòa, quận Tân Bình, chia sẻ tại cuộc họp phụ huynh đầu năm học, hiệu trưởng nhà trường thông báo năm học này do nhân viên y tế nghỉ việc nên… nhân viên kế toán sẽ kiêm nhiệm thêm công việc này. Theo lý giải của hiệu trưởng, điều này nhà trường làm theo quy định. “Sau khi nghe thông tin trên, phụ huynh chúng tôi rất lo lắng. Bởi một người có chuyên môn về kế toán sao có thể am hiểu về lĩnh vực sức khỏe để có thể xử lý những tình huống bất ngờ xảy ra trong học đường. Trong khi trường có rất đông học sinh, lứa tuổi các con lại quá nhỏ, dễ bị nhiễm bệnh. Như thế này, làm sao chúng tôi có thể yên tâm gửi con để đi làm”.
Bà Nguyễn Thị Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Mầm non 30 tháng 4, quận Bình Tân, chia sẻ dù thế nào thì công việc của nhân viên y tế trong trường học rất quan trọng. Bởi họ là người thường xuyên nhận thuốc từ phụ huynh và trực tiếp cho các bé uống, kiểm tra, quản lý sức khỏe cho các bé. Bên cạnh đó, họ còn phải xây dựng kế hoạch tuyên truyền dịch bệnh. Cho nên nếu nhân viên y tế không có chuyên môn thì rất nguy hiểm.
Lý giải sự việc trên, hiệu trưởng Trường Mầm non Phú Hòa, quận Tân Bình cho hay nhà trường cũng chỉ thực hiện theo Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDDT-BNV. Trong trường mầm non có bốn công việc là thủ quỹ, văn thư, kế toán, y tế nhưng nhà trường chỉ được tuyển không quá hai người. Cho nên nhà trường cũng phải cân nhắc trong việc tuyển chọn để làm sao duy trì được sự hoạt động của trường.
Ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng GD&ĐT quận Tân Bình, khẳng định: “Đây là khó khăn chung của các quận, huyện trên địa bàn chứ không riêng gì quận Tân Bình”.
Phòng y tế Trường Mầm non 30 Tháng 4, quận Bình Tân phối hợp với BV Bình Tân khám sức khỏe đầu năm cho học trò. Ảnh: TT
Nhân viên y tế không nhàn như lầm tưởng
Trưởng phòng GD&ĐT tại một quận trên địa bàn TP.HCM cho biết đối với môi trường học đường, với số lượng trẻ khá đông (300-500 em/trường), tình hình dịch bệnh, tai nạn thương tích là rất khó kiểm soát. Bên cạnh đó, theo quy định của ngành giáo dục, giáo viên không được nhận thuốc gửi từ phụ huynh. Điều đó cho thấy vai trò của nhân viên y tế rất quan trọng. Thế nhưng hiện nay công việc này đang thiếu do vướng Thông tư 06.
Đã kiến nghị nhưng chưa có kết quả Thực tế hiện nay, nếu tuyển đúng theo quy định thì không đảm bảo, còn không có nhân viên y tế trong trường mầm non thì cũng không được. Do đó các trường chỉ còn cách hợp đồng thêm với bên ngoài, chi phí lấy từ nguồn thu của trường. Thành phố đã có kiến nghị đối với Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Ông DƯƠNG VĂN DÂN, Trưởng phòng GD&ĐT quận 8, TP.HCM |
Theo vị này, Thông tư 06 quy định về danh mục khung vị trí việc làm, trong trường mầm non có bốn công việc nhưng chỉ được biên chế hai người. Đáng nói, theo quy định nhân viên kế toán không được giữ tiền - nghĩa là không thể kiêm thủ quỹ, kế toán cũng không được giữ mộc, tức không thể kiêm văn thư. Vì thế, kế toán chỉ có thể kiêm y tế.
“Nhưng việc kiêm nhiệm này rất nguy hiểm, bởi hiếm ai có chuyên môn về kế toán lại am hiểu về sức khỏe. Cho nên các trường mầm non tại quận của tôi quản lý đã thực hiện ký hợp đồng với nhân viên y tế bên ngoài. Và chi phí để chi trả từ những nguồn tài chính của trường. Tuy nhiên, do nguồn nhân viên hợp đồng chủ yếu làm tại các bệnh viện hay trạm y tế nên họ sẽ không thể thường xuyên có ở trường. Vì thế, đây cũng là một điều bất cập” - vị này nói.
Vị này thẳng thắn bày tỏ thêm: “Hiện có một luồng ý kiến cho rằng nhân viên y tế trường mầm non ít việc, cần tinh giản biên chế. Ở đâu ít việc tôi không biết nhưng tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, nhân viên y tế có chuyên môn làm không hết việc. Bởi sĩ số học sinh quá lớn, diện tích hẹp, trong khi công việc của họ đảm nhận rất nhiều từ kiểm soát sức khỏe học sinh, tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh… Cho nên các vị đừng chỉ khảo sát ở các tỉnh miền núi phía Bắc với số lượng học sinh ít rồi áp đặt luôn cho các thành phố lớn. Từ đó cắt luôn chức danh y tế thì trường học ở TP.HCM sao có thể chăm sóc tốt cho con em mình”.
Thông tư liên tịch gây vướng cho các trường về nhân viên y tế Theo quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, nhóm vị trí việc làm gắn với nhiệm vụ hỗ trợ, phục vụ trong nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non gồm kế toán, văn thư, y tế và thủ quỹ. Căn cứ vào khối lượng, tính chất công việc của nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, các vị trí việc làm đều phải thực hiện kiêm nhiệm. Dựa trên khối lượng công việc thực tế, nhu cầu và vị trí việc làm được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ xác định số lượng người làm việc tối đa không vượt quá hai người để thực hiện nhiệm vụ về kế toán, văn thư, y tế, thủ quỹ. (Thông tư số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV) |