Loãng xương là tình trạng giảm khối lượng xương và thay đổi cấu trúc của xương làm cho xương giòn và dễ gãy. Bệnh được chẩn đoán khi mật độ xương theo chỉ số T-score dưới -2,5 (theo phương pháp DXA). Đây là hậu quả của sự mất cân bằng giữa hai quá trình tạo xương (canxi lắng đọng trong xương) và hủy xương (canxi được huy động từ xương ra ngoài).
Khi còn trẻ, tốc độ tạo xương lớn hơn tốc độ hủy xương. Sự tạo xương thường đạt tới đỉnh điểm khi 25-30 tuổi. Sau giai đoạn này, quá trình hủy xương tăng lên trong khi quá trình tạo xương giảm dần làm xương mất dần chất khoáng, giảm khối lượng và suy yếu về cấu trúc. Xương trở nên nhẹ, xốp, giảm độ cứng.
Phụ nữ là đối tượng có nguy cơ dễ bị loãng xương hơn so với nam giới do nhu cầu canxi và vitamin D tăng cao hơn mỗi khi mang thai và cho con bú mà không được bổ sung đầy đủ, đặc biệt là khi bước vào giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh (49-50 tuổi) do hormone sinh dục nữ giảm làm tăng nhanh quá trình hủy xương.
Ngoài nguyên nhân do tuổi tác và sinh đẻ, loãng xương cũng dễ dàng xuất hiện hơn ở những phụ nữ mãn kinh sớm (trước 45 tuổi); có khung xương nhỏ bé hay bị kém phát triển thể chất trong quá khứ do còi xương hay suy dinh dưỡng; phụ nữ tiền căn gia đình có cha, mẹ bị loãng xương hay gãy xương; khẩu phần ăn thiếu canxi hay vitamin D hoặc thiếu cả hai; phụ nữ ít hoạt động thể lực, ít vận động ngoài trời, bất động quá lâu do bệnh tật hay do nghề nghiệp; phụ nữ có thói quen sử dụng nhiều chất kích thích như cà phê, rượu, thuốc lá… làm cản trở hấp thu canxi; hoặc do bị mắc các bệnh làm giảm hấp thu hay tăng đào thải canxi như bệnh dạ dày ruột, suy thận mãn, thiểu năng sinh dục (cắt buồng trứng, suy buồng trứng…), cường giáp, cường vỏ thượng thận; hoặc do tác dụng phụ của thuốc như corticoide...
Do bệnh loãng xương thường diễn biến âm thầm, từ từ trong nhiều năm mà không triệu chứng đặc hiệu nên người bệnh thường không biết hoặc chủ quan không điều trị sớm, chỉ tới khi xương bị gãy hay đốt sống bị xẹp mới phát hiện thì bệnh đã nặng, việc điều trị rất khó khăn, tốn kém và hiệu quả thấp.
Vì vậy, đối với chị em phụ nữ, việc chủ động phòng ngừa loãng xương càng sớm càng tốt ngay từ tuổi trưởng thành, tuổi sinh đẻ, là rất quan trọng để giúp phòng tránh các tác hại nguy hiểm của bệnh, đặc biệt là khi chị em có các yếu tố nguy cơ cao dễ bị loãng xương như đã kể ở trên.
Việc đảm bảo khẩu phần ăn uống hằng ngày cung cấp đủ các dưỡng chất như canxi và vitamin D, đặc biệt là thói quen uống sữa đều đặn, kết hợp với vận động thể lực thường xuyên luôn có vai trò quan trọng trong việc phòng, chống loãng xương, giúp chị em phụ nữ có bộ xương chắc khỏe ngay từ bên trong.