Phú Yên hoạch định cho mục tiêu trở thành nơi đáng sống

Phú Yên hoạch định cho mục tiêu trở thành nơi đáng sống

(PLO)- Tỉnh Phú Yên hoạch định chiến lược, hiện thức hóa mục tiêu phát triển thành nơi đáng sống. 

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Tấn Hổ, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên, quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là thành quả của việc huy động trí tuệ tập thể.

"Quy hoạch này đi vào cụ thể, có tính khả thi cao, hoạch định những gì cần làm trước mắt, những gì cho lâu dài. Qua quy hoạch, tỉnh mong muốn khai thác được những tiềm năng, thế mạnh, hiện thức hóa mục tiêu phát triển tỉnh Phú Yên thành nơi đáng sống của khu vực Nam Trung Bộ"-ông Hổ chia sẻ.

DJI_0611.jpg
Phú Yên có những bước tiến vững chắc trên bản đồ kinh tế của cả nước. Ảnh: HUỲNH HẢI

Năm trụ cột tăng trưởng

Theo quy hoạch vừa được duyệt, mục tiêu đến năm 2030, kinh tế Phú Yên phát triển dựa trên lợi thế biển với năm trụ cột gồm công nghiệp (luyện kim, lọc, hóa dầu, năng lượng...); du lịch dịch vụ chất lượng cao; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; vận tải biển và logistics.

Trong đó, du lịch giữ vai trò ngành kinh tế mũi nhọn, động lực phát triển kinh tế - xã hội, với hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch đồng bộ, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa. Lấy du lịch nghỉ dưỡng biển đảo làm chủ đạo, phát triển theo hướng cao cấp, chuyên biệt.

Phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, di sản văn hóa, các danh lam thắng cảnh…

Thành lập công viên địa chất Phú Yên hướng tới danh hiệu công viên địa chất toàn cầu UNESCO để xây dựng thương hiệu địa phương trong chiến lược quảng bá hình ảnh, phát triển du lịch quốc tế. Hướng đến việc khai thác, phát huy đồng bộ, toàn diện giá trị các di sản địa chất, di sản văn hóa xã hội lịch sử, đa dạng sinh học một cách bền vững.

Bốn trụ cột tăng trưởng còn lại gồm công nghiệp - xây dựng đô thị; dịch vụ - du lịch; nông lâm nghiệp - thủy sản; vận tải biển và logistics, được kỳ vọng sẽ có những bước tiến vượt bậc trong thời gian tới.

phú yên.jpg
Hạ tầng các khu công nghiệp được Phú Yên đầu tư hoàn chỉnh, hiện đại. Ảnh: XUÂN HOÁT

Trong đó, trụ cột công nghiệp - xây dựng đô thị sẽ tập trung phát triển các lĩnh vực công nghiệp tỉnh Phú Yên có lợi thế, tạo cơ sở phát triển của tỉnh trong dài hạn. Thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp quan trọng như luyện kim; lọc hóa dầu; sản xuất năng lượng... vào khu công nghiệp Hòa Tâm, đầu tư xây dựng cảng Bãi Gốc.

Dịch vụ - du lịch sẽ tập trung thu hút đầu tư phát triển cảng nước sâu Bãi Gốc làm cơ sở hạ tầng cho phát triển công nghiệp và phát triển cảng biển Vũng Rô trở thành cảng du lịch. Đồng thời hình thành một số trung tâm logistics.

Đối với trụ cột là nông lâm nghiệp, thủy sản, tỉnh Phú Yên sẽ tập trung phát triển nền nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sinh thái, bền vững.

Quy hoạch tỉnh Phú Yên đặt ra một số mục tiêu như tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt khoảng 8,5 - 9%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt khoảng 150-156 triệu đồng; tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn (không kể thu tiền sử dụng đất) bình quân 9-10%/năm; tổng lượt khách du lịch đạt 7 triệu lượt khách...

Bốn vùng trọng tâm phát triển

Theo ông Lê Tấn Hổ, để hiện thực hóa những mục tiêu trên, ngoài sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, tỉnh bắt tay ngay vào xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch cụ thể theo đúng Luật Quy hoạch, thực hiện trình tự theo quy định để trình Thủ tướng phê duyệt. Trong đó chú trọng các quy hoạch phân khu; gắn trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ban ngành, địa phương trong quá trình thực hiện.

Tỉnh Phú Yên xác định bốn vùng trọng tâm để tập trung phát triển, thu hút đầu tư theo từng khu vực gắn với từng ngành, lĩnh vực.

Trong đó, khu vực phía nam tập trung phát triển công nghiệp luyện kim, lọc hóa dầu, hóa dược, các ngành năng lượng sạch, sản xuất sản phẩm gắn với công nghệ số, công nghiệp chế biến chế tạo, cảng biển, du lịch.

Khu vực TP Tuy Hòa tập trung phát triển TP Tuy Hòa là hạt nhân của tỉnh với hệ thống công viên, cây xanh, có rừng trong trung tâm TP và tập trung phát triển đô thị, dịch vụ, y tế, giáo dục, thương mại dịch vụ.

TP Tuy Hoa 1.jpg
TP Tuy Hòa đang xây dựng thành đô thị loại I, là hạt nhân phát triển kinh tế của tỉnh Phú Yên. Ảnh: XUÂN HOÁT

Khu vực ven biển phía bắc tập trung phát triển đô thị, du lịch, kinh tế biển. Lấy thị xã Sông Cầu làm trung tâm phát triển, kết nối với TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định để tập trung đầu tư khu du lịch quốc gia vịnh Xuân Đài nhằm hướng tới phân khúc du lịch cao cấp, nghỉ dưỡng, chuyên biệt.

Khu vực phía tây tập trung phát triển các vùng chuyên canh cây công nghiệp, cây ăn quả, cây nguyên liệu, dược liệu chất lượng cao; chăn nuôi công nghệ cao gắn với các nhà máy chế biến. Cạnh đó là phát triển mạnh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khám chữa bệnh.

“Tỉnh Phú Yên đang tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh mạnh mẽ, quyết tâm nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh... Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi, giúp doanh nghiệp thay đổi cách nhìn về môi trường đầu tư của Phú Yên, góp phần tạo đột phá trong thu hút đầu tư, cũng như khai thác được tiềm năng, thế mạnh của địa phương”- ông Lê Tấn Hổ nói.

Ba khu vực kinh tế trọng điểm

Theo Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên, quy hoạch tỉnh Phú Yên đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 chú trọng vào ba khu vực trọng điểm phát triển.

Cụ thể, khu vực trọng điểm phía Bắc sẽ phát triển du lịch, kinh tế biển. Trong đó thị xã Sông Cầu là trung tâm kết nối đến các vùng phía Bắc và phía Tây của tỉnh. Đây còn là trung tâm dịch vụ, du lịch phía Bắc Phú Yên, kết nối với TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Tập trung đầu tư phát triển khu du lịch vịnh Xuân Đài hướng tới phân khúc du lịch cao cấp, nghỉ dưỡng, chuyên biệt.

Khu vực trọng điểm phía Nam, sẽ phát triển công nghiệp luyện kim, lọc, hóa dầu, hóa dược, các ngành năng lượng sạch, sản xuất sản phẩm gắn với công nghệ số, công nghiệp chế biến chế tạo, cảng biển, du lịch ... Khu vực Đông Hòa là cửa ngõ kết nối với các trung tâm kinh tế trong vùng, khu vực Tây Nguyên, cả nước và quốc tế.

Thap Nhan.jpg
Các giá trị văn hóa truyền thống của Phú Yên được bảo tồn, gìn giữ. Ảnh: XUÂN HOÁT

TP Tuy Hòa là đô thị trung tâm của tỉnh Phú Yên. Khu vực Đông Hòa là trung tâm công nghiệp, hậu cần của tỉnh, phát triển khu kinh tế Nam Phú Yên theo hướng đô thị dịch vụ, công nghiệp và logistics, liên kết với khu kinh tế Bắc Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Về phía Bắc của TP Tuy Hòa ưu tiên phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, khu vực tập trung các cơ sở giáo dục - đào tạo cấp vùng.

Khu vực trọng điểm phía Tây sẽ phát triển thương mại dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao, các vùng nguyên liệu gắn với các nhà máy chế biến và phát triển du lịch. Phát triển thị trấn Củng Sơn, thị trấn Hai Riêng trở thành đầu mối giao thương với các tỉnh khu vực Tây Nguyên.

Đến 2030, số đô thị tăng gấp 2 lần

Với tầm nhìn đến năm 2050, Phú Yên sẽ là một trung tâm kinh tế biển của vùng duyên hải Trung Bộ; có hệ thống đô thị thông minh, đô thị xanh, có bản sắc. Trong đó, những đô thị ven biển có sức thu hút khách du lịch và có môi trường sống tốt của vùng và cả nước.

DJI_0627.jpg
Phía Nam Phú Yên sẽ liên kết với khu kinh tế Bắc Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa, tạo nên trục phát triển kinh tế. Ảnh: HUỲNH HẢI

Về hệ thống đô thị đến năm 2030, tỉnh Phú Yên có 18 đô thị. Trong đó, có một đô thị loại I là TP Tuy Hòa; một đô thị loại II là TP Sông Cầu. Một đô thị loại III là thị xã Đông Hòa. Sáu đô thị loại IV là các thị trấn Củng Sơn, Phú Thứ, Tuy An, La Hai, Hai Riêng, Phú Hòa. Chín đô thị loại V tiểu vùng là Tân Lập, Sơn Long, Sơn Thành Đông, Hòa Trị, Xuân Phước, Xuân Lãnh, Trà Kê Sơn Hội, Hòa Mỹ Đông và Phong Niên.

So với hiện tại, các đô thị tăng gấp hai lần, được hình thành từ lợi thế tài nguyên thiên nhiên của vùng đất, nằm trên các trục động lực phát triển kinh tế. Nhiều đô thị tiểu vùng có chức năng khác nhau, cùng với các đô thị huyện lỵ nhằm khai thác tiềm năng lợi thế của vùng đất, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Phú Yên thuê tư vấn nước ngoài thực hiện quy hoạch tỉnh

Sau khi được Thủ tướng phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong quá trình triển khai lập quy hoạch tỉnh, UBND tỉnh được Công ty CP Vườn Thời Đại Việt Nam hỗ trợ bằng sản phẩm 24/33 chuyên đề tích hợp vào quy hoạch tỉnh. Những sản phẩm này do Công ty Tư vấn Roland Berger của Cộng hòa Liên bang Đức và Công ty Tư vấn Surbana Jurong của Singapore tổ chức thực hiện.

Phần còn lại của quy hoạch tỉnh, tỉnh Phú Yên tổ chức đấu thầu lựa chọn liên danh đơn vị tư vấn lập quy hoạch tỉnh. Các nội dung gồm báo cáo tổng hợp quy hoạch tỉnh, hệ thống bản đồ, cơ sở dữ liệu, chín chuyên đề của chín địa phương và báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của quy hoạch tỉnh.

Các liên danh đơn vị tư vấn lập quy hoạch tỉnh gồm Viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp, Công ty TNHH Haskoning DHV Việt Nam, Công ty TNHH Khoa học và công nghệ Đồng Tiến.

Phú Yên là một trong số ít các địa phương thuê tư vấn nước ngoài thực hiện quy hoạch tỉnh.

Đọc thêm