Phục hồi, phục hưng và cách tân

Bắt đầu từ những lễ hội văn hóa dân gian được phục hồi sau một thời gian dài bị cấm kỵ bởi chiếc mũ mê tín dị đoan chụp lên. Khởi điểm phục hồi rồi phục dựng, phục hưng là một số truyền thống văn hóa tốt đẹp nhưng khi bị dẫn dắt, đẩy lên thành những lễ hội văn hóa nhuốm màu sắc tâm linh dễ dẫn đến mê tín dị đoan. Một phần là do tự thân những người tham gia các lễ hội này mê tín nhưng nhiều lễ hội nhuốm màu tâm linh huyền ảo được dàn dựng theo những kịch bản tính toán của các nhà tổ chức với mục đích kinh doanh. Như một sự “bù lỗ” cho quãng thời gian cấm kỵ trước đây, nhiều lễ hội loại này đã và đang diễn ra tràn lan khắp nơi trong cả nước - nhưng nhiều nhất vẫn là phía Bắc - kéo dài gần hết mùa xuân, tiêu tốn một cách hoang phí không thể nào thống kê được.

Trong chuyện phục hồi, phục hưng những giá trị văn hóa truyền thống, ngoài các lễ hội có màu sắc tâm linh, đáng biểu dương nhất phải kể đến chuyện phục hưng áo dài của phụ nữ Việt Nam (hiện nay cũng đang vận động phục hồi áo dài dành cho nam giới) mà khởi đầu phải nhắc đến Festival Huế từ gần 20 năm qua. Các nhà thiết kế có công trong việc phục hưng nét đẹp truyền thống của chiếc áo dài phải kể đến những người tiên phong là Minh Hạnh và Sỹ Hoàng. Sỹ Hoàng từ một họa sĩ chuyên vẽ áo dài nổi tiếng ở TP.HCM, sau chuyển qua thành nhà thiết kế, nhà cách tân áo dài. Hiện nay Sỹ Hoàng còn thành lập một bảo tàng áo dài tư nhân đầu tiên tại quận 9, TP.HCM. Nhà thiết kế Minh Hạnh gắn liền với các Festival Huế bằng các mẫu thiết kế cách điệu nhiều loại áo dài. Từ những mẫu áo dài mang tính chất cung đình được cách điệu, đến những mẫu áo dài bình thường mà phụ nữ Huế vẫn mặc xưa nay trong sinh hoạt đời thường. Qua các Festival Huế, Minh Hạnh đã có được những quan hệ quốc tế làm tiền đề để chị giới thiệu và vinh danh chiếc áo dài Việt Nam ra thế giới.

Từ Festival Huế, Festival Áo dài Huế đã lan tỏa hình ảnh chiếc áo dài Việt Nam tuyệt đẹp bị ngủ quên bấy lâu. Và áo dài đã được phục hưng nhanh chóng. Với các lễ hội áo dài tại TP.HCM (mà năm nay đã là lần thứ tư), rồi Festival Áo dài Hà Nội hồi tháng 10-2016 vừa qua tổ chức hoành tráng tại hoàng thành Thăng Long có lẽ là lễ hội văn hóa truyền thống đẹp nhất trong nhiều năm qua tại Hà Nội. Hà Nội tổ chức Festival Áo dài vào tháng 10 do tháng này có ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10; còn TP.HCM tổ chức lễ hội áo dài vào tháng 3 bởi có ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3. Năm nay lễ hội Áo dài TP.HCM lần thứ tư kéo dài suốt tháng 3 với nhiều hoạt động văn hóa liên quan tới chiếc áo dài, như cuộc thi “Duyên dáng áo dài”, giao lưu với chủ đề “Áo dài trong đời sống Việt”. Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh được cử làm đại sứ hình ảnh của Liên hoan Áo dài TP.HCM lần 4 - 2017… Đặc biệt là TP đã tổ chức vận động nhân dân mặc áo dài suốt tháng 3 khi đi làm cũng như trong các sinh hoạt đời thường.

Nhân Liên hoan Áo dài xin nói đôi điều về chuyện mặc áo dài với váy chụp, váy đùm mà một số bạn trẻ thể hiện trong dịp Tết vừa qua. Chuyện cách tân, cách điệu chiếc áo dài đã liên tục xảy ra, từ thời họa sĩ Cát Tường lăng-xê chiếc áo dài Le Mur trên báoPhong Hóa - Ngày Nay những năm 1930, tới chiếc áo dài không cổ, mổ rộng của bà Trần Lệ Xuân (vợ ông Ngô Đình Nhu) nổi đình nổi đám ở miền Nam những năm cuối 1950 đầu 1960. Những năm gần đây khi chiếc áo dài được phục hưng, nhiều nhà thiết kế tâm huyết đã nỗ lực cách tân, cách điệu, làm mới hơn, đẹp hơn nhưng vẫn giữ cái hồn của chiếc áo dài truyền thống chứ không đi quá đà làm mất gốc. Còn một vài bạn trẻ vừa qua có lẽ mùa xuân về tâm hồn phơi phới bèn nghĩ ra cách làm lạ cách mặc áo dài chơi chứ cải cách kiểu đó làm sao có sức sống lâu dài. Một ông bạn nhà thơ già người Bắc vốn rất khoái khẩu món thịt chó đã ví von vui vẻ: “Áo dài mà mặc với váy đùm/ Khác chi thịt chó chấm nước dùng Maggi”. Bởi thịt chó thì phải chấm mắm tôm mới đúng điệu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm