Ngày 25-12, TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm đối với 21 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu”.
Trong đó, phần lớn các bị cáo kháng cáo xin xem xét các tình tiết giảm nhẹ, xin giảm nhẹ hình phạt. Ba bị cáo nhận án chung thân ở phiên tòa sơ thẩm về tội nhận hối lộ gồm: Phạm Trung Kiên (cựuThư ký Thứ trưởng Bộ Y tế), nhận hối lộ 42,6 tỉ đồng; Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao), nhận hối lộ 25 tỉ đồng; Vũ Anh Tuấn (cựu cán bộ Công an) nhận hối lộ 27,3 tỉ đồng đều kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Bị cáo Trần Minh Tuấn (Giám đốc Công ty CP Xây dựng Thái Hòa) kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, đề nghị tòa án cấp phúc thẩm tuyên bị cáo không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và không phạm tội đưa hối lộ. Bị cáo Tuấn bị tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt 18 năm tù về hai tội danh.
Bị cáo Hoàng Văn Hưng (cựu điều tra viên Bộ Công an) ban đầu kháng cáo kêu oan nhưng sau đó đã bất ngờ nhận tội ngay trước khi phiên tòa diễn ra.
Theo bản án sơ thẩm, ông Hưng bị tuyên phạt mức án chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, số tiền hơn 18 tỉ đồng liên quan hành vi chạy án của 2 bị cáo doanh nghiệp là Nguyễn Thị Thanh Hằng và Lê Hồng Sơn.
Cùng với việc nhận tội, bị cáo Hưng đã nộp khắc phục toàn bộ hậu quả và xin tòa án xem xét các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo. Bị cáo Hưng cũng có đơn xin được xét xử vắng mặt.
Ngoài ra, ông Nguyễn Hoàng Quân (chồng của bị cáo Hoàng Diệu Mơ – Giám đốc doanh nghiệp về lữ hành) đề nghị được trả lại 2 chiếc điện thoại đã bị tịch thu, trong trường hợp không được trả lại xin được phép mua lại để bảo vệ quyền lợi thông tin cá nhân.
Bà Trần Phi Nga (vợ bị cáo Tô Anh Dũng – cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) kháng cáo một phần nội dung bản án, xin giải tỏa kê biên và cấm dịch chuyển nhà dự án Tây Hồ Tây và xin giải tỏa kê biên, cấm dịch chuyển và trả lại sổ đỏ nhà Bắc An Khánh.
Một số hình ảnh dẫn giải các bị cáo đến Tòa sáng nay:
Theo bản án sơ thẩm, trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, một số doanh nghiệp đã nộp hồ sơ đến Văn phòng Chính phủ, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao đề nghị được cấp tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước (dưới hình thức giải cứu hoặc combo).
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc xin phép tổ chức chuyến bay dẫn đến không tổ chức được hoặc bị thua lỗ. Do đó, DN đã phải liên hệ với các bị cáo là những cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước đặt vấn đề nhờ “ủng hộ”, “giúp đỡ”, “tạo điều kiện”.
Các bị cáo như Phạm Trung Kiên, Vũ Anh Tuấn và một số bị cáo khác có hành vi “đòi hỏi”, “sách nhiễu”, đưa ra “giá”. Một số bị cáo khác mặc dù không đưa ra yêu cầu cụ thể, không trực tiếp thoả thuận nhưng đều gặp gỡ, trao đổi, thống nhất sẽ tạo điều kiện.
Trước hoặc sau khi được cấp phép, doanh nghiệp đã đưa tiền với danh nghĩa “cảm ơn”. Số tiền “cảm ơn” đều dựa trên số lượng chuyến bay, số lượng khách được cho phép đưa về nước.
Số tiền đưa nhận hối lộ trong vụ án này ở mức lớn, rất lớn hoặc đặc biệt lớn, “việc đưa và nhận tiền diễn ra nhiều lần, thường xuyên, liên tục, số tiền vượt quá mức thu nhập bình thường của cán bộ, công chức’’ – bản án nêu.
Trong vụ "chuyến bay giải cứu", từ tháng 9-2020 đến tháng 12-2022, 25 bị cáo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao, nhận hối lộ gần 165 tỉ đồng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại hơn 10,4 tỉ đồng.
23 bị cáo là đại diện doanh nghiệp đưa hối lộ hơn 226,7 tỉ đồng; 4 bị cáo môi giới hối lộ số tiền hơn 74,4 tỉ đồng và 2 bị cáo lừa đảo, chiếm đoạt số tiền 24,5 tỉ đồng.