Phương Tây áp trừng phạt, Tổng Tư lệnh Myanmar lên tiếng

Theo hãng tin Channel News Asia, Tổng Tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing ngày 23-2 đã kêu gọi nỗ lực vực dậy nền kinh tế nước này, trong bối cảnh các nước phương Tây xem xét thêm các biện pháp trừng phạt đối với các tướng lĩnh thuộc chính quyền quân sự.

Phát biểu trong cuộc họp với các quan chức đang điều hành đất nước, ông Min Aung Hlaing đã kêu gọi cắt giảm chi tiêu công và nhập khẩu, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu.

"Cần tập trung năng lượng hồi sinh nền kinh tế ốm yếu của đất nước. Các biện pháp khôi phục nền kinh tế phải được thực hiện" – ông Min Aung Hlaing nói.

Tổng Tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing. Ảnh: AFP

Ông Min Aung Hlaing không liên hệ trực tiếp các cuộc biểu tình với các vấn đề kinh tế nước này đang đối mặt, song nói rằng chính quyền đang đi theo một lộ trình dân chủ trong việc giải quyết các vấn đề này.

Đồng thời, ông Min Aung Hlaing nhấn mạnh rằng cảnh sát đã sử dụng vũ lực tối thiểu trong việc đối phó người biểu tình, như việc sử dụng súng bắn đạn cao su.

Lời kêu gọi phục hồi kinh tế của ông Min Aung Hlaing được đưa ra sau khi cuộc tổng đình công đóng cửa các doanh nghiệp nổ ra hôm 22-2 và người biểu tình tiếp tục phản đối chính biến hôm 1-2, bất chấp cảnh báo từ chính quyền rằng việc đối đầu có thể khiến người dân thiệt mạng.

Tình hình chính biến tại Myanmar cũng tác động đến các nhà đầu tư, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ảnh hưởng ngành du lịch và tiêu dùng tại nước này.

Theo Channel News Asia, ngày 23-2, ngoại trưởng nhóm bảy nước công nghiệp phát triển (G7) gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Canada và Nhật đã ra tuyên bố nói rằng việc sử dụng đạn thật nhắm vào người biểu tình phản đối chính biến ở Myanmar là không thể chấp nhận được và rằng thủ phạm phải chịu trách nhiệm.

Tuyên bố nhấn mạnh: "Chúng tôi lên án hành vi dọa dẫm và đàn áp những người phản đối chính biến. Chúng tôi một lần nữa kêu gọi trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho những người bị bắt giữ tùy tiện, gồm Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi và Tổng thống Win Myint".

Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) ngày 22-2 xác nhận đang xem xét các biện pháp trừng phạt nhắm vào các công ty dính líu quân đội Myanmar, song khẳng định EU sẽ không rút các ưu đãi thương mại đặc biệt dành cho Myanmar nhằm tránh ảnh hưởng đến tất cả người dân nước này.

Cùng ngày 22-2, Mỹ đã áp đặt thêm lệnh trừng phạt đối với hai tướng quân đội Myanmar, đều là hai thành viên trong Hội đồng Hành chính Nhà nước Myanmar, và cảnh báo sẽ có những hành động tiếp theo liên quan cuộc chính biến hôm 1-2.

Tài sản tại Mỹ của hai tướng Myanmar, tư lệnh không quân Myanmar Maung Maung Kyaw và cựu tham mưu trưởng lục quân Moe Myint Tun, sẽ bị đóng băng, họ cũng bị cấm nhập cảnh vào Mỹ.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hôm 21-2 đã kêu gọi các bên tôn trọng kết quả bầu cử và quay lại chế độ dân sự.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm