Các nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Úc hôm 18-2 tìm cách khẩn cấp đưa nền dân chủ trở lại Myanmar trong cuộc đàm phán bốn bên, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
Theo kênh Channel News Asia, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết trong cuộc đàm phán bốn bên đầu tiên, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã thảo luận về “nhu cầu cấp bách khôi phục chính phủ được bầu một cách dân chủ ở Burma, và ưu tiên tăng cường khả năng phục hồi dân chủ trong khu vực rộng lớn hơn”.
Cảnh sát bắt người tham gia biểu tình phản đối cuộc chính biến ở TP Madalay, Myanmar hôm 15-2. Ảnh:REUTERS/Stringer
Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi hôm 18-2 nói rằng ông nhất trí với những người đồng cấp Mỹ, Ấn Độ và Úc rằng nền dân chủ phải được khôi phục nhanh chóng ở Myanmar.
Ông Motegi có bình luận trên sau cuộc điện đàm với ông Blinken, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar và Ngoại trưởng Úc Marise Payne.
Trong một diễn biến khác hôm 18-2, Anh thông báo áp trừng phạt đối với ba tướng lĩnh ở Myanmar vì vi phạm nghiêm trọng nhân quyền sau cuộc chính biến hôm 1-2.
“Chúng tôi cùng với các đồng minh quốc tế của chúng tôi sẽ bắt quân đội Myanmar chịu trách nhiệm cho sự vi phạm nhân quyền của họ, và theo đuổi công lý cho người dân Myanmar” – Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cho biết.
Anh cho biết nước này sẽ ngay lập tức thực thi việc đóng băng tài sản và cấm đi lại nhằm vào ba thành viên của quân đội Myanmar gồm Bộ trưởng Quốc phòng Mya Tun Oo, Bộ trưởng Nội vụ Soe Htut và Thứ trưởng Nội vụ Than Hlaing.
Trước đó, Anh đã trừng phạt 16 cá nhân thuộc quân đội Myanmar.
Ngoài ra, các biện pháp bảo vệ khác đã được thực hiện nhằm ngăn viện trợ của Anh gián tiếp ủng hộ chính phủ do quân đội lãnh đạo.
“Quân đội và cảnh sát Myanmar đã vi phạm nghiêm trọng nhân quyền, bao gồm vi phạm quyền được sống, quyền tự do hội họp, quyền không bị bắt bớ hoặc giam giữ tùy tiện, và quyền tự do ngôn luận” – tuyên bố của chính phủ Anh cho biết.
Canada cũng thông báo lệnh trừng phạt tương tự nhằm vào chín quan chức quân đội Myanmar hôm 18-2. Canada nói rằng cuộc chính biến đã dẫn tới việc giam giữ hàng loạt, sử dụng vũ lực và hạn chế các quyền tự do dân chủ.
“Chúng tôi làm việc cùng với các đối tác quốc tế của chúng tôi, những người kêu gọi khôi phục chính phủ được bầu một cách dân chủ và chúng tôi lặp lại lời kêu gọi của họ rằng quân đội Myanmar hãy phóng thích những người bị bắt giam vô cớ trong cuộc chính biến” – Ngoại trưởng Canada Marc Garneau nói trong tuyên bố.
Mỹ tuần trước đã áp lệnh trừng phạt mới lên quân đội Myanmar, đồng thời hối thúc các thành viên khác của Liên Hợp Quốc nối gót.
Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) hôm 18-2 cho biết họ đưa ra lập trường thận trọng hơn đối với các cam kết trong tương lai với Myanmar, song vẫn tiếp tục thực hiện những dự án hiện tại ở đó.
Chủ tịch WB David Malpass cho hay WB hiện không có dự án mới nào ở Myanmar và sẽ tìm kiếm tư vấn từ các cổ đông để có bước đi tiếp theo.
Hôm 1-2, quân đội Myanmar bắt giữ các nhà lãnh đạo dân sự, trong đó có cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi và thông báo tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm. Quân đội cáo buộc cuộc bầu cử tháng 11-2020 với kết quả đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) giành chiến thắng lớn có gian lận. Ủy ban bầu cử Myanmar đã bác những cáo buộc của quân đội.