Phương Tây tiếp tục loay hoay chuyện trừng phạt Nga vì chiến sự Ukraine

(PLO)- Dù đối mặt với các lệnh cấm vận từ Mỹ và đồng minh, Moscow vẫn đang hưởng lợi rất lớn từ các đợt biến động dẫn tới giá năng lượng toàn cầu thời gian qua tăng cao.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, liên bộ Tài chính - Thương mại - Ngoại giao Mỹ đã công bố một báo cáo chung đánh giá hiệu quả các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu của nước này lên khả năng triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine của Nga ra sao.

Báo cáo chỉ ra dù đối mặt với các lệnh cấm vận từ Mỹ và đồng minh, Moscow vẫn đang hưởng lợi rất lớn từ các đợt biến động dẫn tới giá năng lượng toàn cầu thời gian qua tăng cao.

Bộ Kinh tế Nga ước tính doanh thu từ xuất khẩu dầu năm nay có thể đạt tới 338 tỉ USD, tăng mạnh so với mức 244 tỉ USD của năm ngoái.

Moscow cũng đã thành công mở rộng quan hệ đối tác hợp tác năng lượng sang châu Á với kế hoạch “nâng cao công suất phát điện, xây dựng nhà máy điện hạt nhân và giới thiệu công nghệ kỹ thuật số” được ông Putin đề xuất tại Hội nghị thượng đỉnh Nga - Trung Á ngày 14-10.

Nhìn chung, Moscow đang đẩy mạnh mũi nhọn năng lượng để chọc thủng kế hoạch cấm vận của phương Tây.

Một trung tâm sản xuất khí đốt hóa lỏng ở vùng Belokamenka phía bắc Nga hồi tháng 9. Ảnh: NOVATEK

Một trung tâm sản xuất khí đốt hóa lỏng ở vùng Belokamenka phía bắc Nga hồi tháng 9.
Ảnh: NOVATEK

Một trong những thiếu sót trong kế hoạch cấm vận Nga mà báo cáo đề cập là Mỹ và đồng minh ít tập trung các biện pháp trả đũa liên quan năng lượng Nga.

Phương Tây đã chủ động nhắm vào những sơ hở trong các ngành công nghiệp quốc phòng, tài chính và công nghệ của Nga để làm tăng chi phí cho cuộc chiến ở Ukraine nhưng lại không có sự mạnh mẽ tương tự đối với lĩnh vực khí đốt và dầu mỏ của Nga.

Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+), với Nga là một thành viên, gần đây tuyên bố sẽ cắt giảm sản lượng dầu đến 2 triệu thùng/ngày vào đầu tháng 11. Việc cắt giảm sản lượng này sẽ khiến Mỹ và các đồng minh đối mặt giá khí đốt tăng cao và có thể khiến dư luận khó ủng hộ viện trợ kéo dài cuộc chiến ở Ukraine.

Về phía Liên minh châu Âu (EU), tờ The Guardian cho biết dù khối này từ đầu đã tập trung chấm dứt phụ thuộc nguồn cung năng lượng Nga và đến đầu tháng 10 đã công bố vòng trừng phạt thứ tám, EU đang bắt đầu hết “ý tưởng” nên cấm vận Nga bằng cách nào. Một quan chức EU chia sẻ rằng một số biện pháp trừng phạt đang được đề xuất có nguy cơ gây tổn hại cho châu Âu nhiều hơn là Nga.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm