Án đơn giản, 10 năm xử chưa xong

Người khởi kiện trong vụ án hành chính này là ông Trương Văn Kiệt. Sau khi ông Kiệt qua đời năm 2007 thì vợ của ông tiếp tục đeo đuổi vụ kiện. Hiện bà cũng đã ủy quyền cho em trai chồng tham gia vụ án.

Đất có giấy đỏ, huyện vẫn giải quyết

Theo hồ sơ, năm 1981, gia đình ông Kiệt mua của ông Huỳnh Văn Ngôn gần 3.900 m2 đất tọa lạc tại ấp Hòa Lân I, xã Thuận Giao, Thuận An (Sông Bé cũ) để đầu tư mở cơ sở sản xuất gốm sứ. Năm 1988, ông Kiệt đã được chính quyền địa phương cấp giấy đỏ.

Năm 1990, do có nhu cầu mở rộng cơ sở, ông Kiệt tiếp tục mua phần đất còn lại của ông Ngôn, có diện tích hơn 3.600 m2, cũng thuộc thửa đất cùng số rồi giao em trai đứng tên. Tháng 5-1993, chính quyền địa phương cũng đã cấp giấy đỏ cho em trai ông Kiệt.

Sau đó, gia đình ông Kiệt mở một con đường nội bộ ngang giữa khu đất nhằm thuận tiện cho việc vận chuyển vật liệu sản xuất. Nằm phía trong đất ông Kiệt có khu đất của bà H. Khu đất của bà H. có lối đi riêng nhưng các công nhân ở trọ tại nhà bà H. thường đi băng ngang con đường nội bộ của gia đình ông Kiệt cho tiện. Thấy việc đi lại này của họ làm mất an ninh và ảnh hưởng đến việc kinh doanh nên ông Kiệt rào lại, không cho đi con đường nội bộ này.

Bà H. cho rằng con đường nội bộ của gia đình ông Kiệt là đường đi chung có từ trước năm 1975 nên làm đơn khiếu nại lên chính quyền. Trong khi đó, gia đình ông Kiệt khẳng định khi họ hai lần mua đất của ông Ngôn, trên đất cũng như trong giấy đỏ hoàn toàn không thể hiện có con đường đi chung như lời bà H.

Dù vậy, ngày 25-7-2003, chủ tịch UBND huyện Thuận An vẫn ban hành Quyết định số 829 công nhận đơn khiếu nại của bà H., buộc ông Kiệt tháo dỡ phần cổng rào chắn lối đi trên con đường cụt (tức con đường nội bộ của ông Kiệt), đồng thời khôi phục khu đất tranh chấp để làm lối đi chung. Không đồng ý, ông Kiệt khiếu nại và chủ tịch UBND huyện ra Quyết định số 1548 bác yêu cầu của ông.

Các tòa “quên” việc sai thẩm quyền

Bức xúc, tháng 12-2003, ông Kiệt đã khởi kiện vụ án hành chính tại TAND huyện Thuận An, yêu cầu tòa hủy Quyết định số 1548 của chủ tịch huyện.

Trong vụ án này, có thể thấy rõ ràng chủ tịch huyện Thuận An đã giải quyết tranh chấp sai thẩm quyền bởi theo khoản 3 Điều 38 Luật Đất đai năm 1993 thì tranh chấp đất có giấy chứng nhận thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án. Tuy nhiên, cả hai cấp tòa sơ, phúc thẩm đều không phát hiện ra điều đó và bác đơn của ông Kiệt. Chính vì thế, vụ án đã kéo dài tới hơn 10 năm nay chưa giải quyết dứt điểm.

Cụ thể, năm 2007, ông Kiệt chết, gia đình ông tiếp tục khiếu nại và chánh án TAND Tối cao đã có quyết định kháng nghị tái thẩm theo hướng hủy hai bản án sơ, phúc thẩm.

Tháng 9-2011, Hội đồng Tái thẩm Tòa Hành chính TAND Tối cao đã ban hành quyết định tái thẩm, hủy hai bản án hành chính sơ, phúc thẩm, giao hồ sơ cho cấp sơ thẩm xét xử lại. Theo Hội đồng Tái thẩm, theo sơ đồ địa chính thì hai phần đất ông Kiệt mua là đất liền thửa, thuộc thửa đất số 188 và không thể hiện con đường đi chung nào. Việc bà H. cho rằng con đường cụt trên là đường đi có từ trước năm 1975 là không có cơ sở vì khi chính quyền cấp giấy đỏ cho ông Kiệt đều không thể hiện con đường này... Việc này làm ảnh hưởng đến nội dung kết quả giải quyết vụ án hành chính.

Xử sơ thẩm lần hai, TAND thị xã Thuận An tiếp tục bác đơn của gia đình ông Kiệt. Tháng 12-2012, TAND tỉnh Bình Dương đã hủy bản án sơ thẩm, yêu cầu TAND thị xã Thuận An xét xử lại. Theo tòa phúc thẩm, cấp sơ thẩm không yêu cầu người khởi kiện sửa đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện với Quyết định số 829 vì đơn khởi kiện ban đầu của ông Kiệt chỉ đề là khởi kiện Quyết định số 1548 (quyết định giải quyết khiếu nại) là vi phạm tố tụng nghiêm trọng.

Cuối cùng cũng xác định được sai sót

Tháng 9-2013, chánh án TAND Tối cao có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm vì cho rằng việc cấp phúc thẩm hủy án sơ thẩm là máy móc, không phù hợp với quy định tố tụng, kéo dài việc giải quyết án.

Cuối năm 2013, Tòa Hành chính TAND Tối cao đã có quyết định giám đốc thẩm, hủy án phúc thẩm, giao hồ sơ về cho TAND tỉnh Bình Dương giải quyết phúc thẩm lại.

Theo Tòa Hành chính TAND Tối cao, việc chủ tịch UBND huyện Thuận An (nay là thị xã Thuận An) giải quyết tranh chấp đất của ông Kiệt là không đúng thẩm quyền và không có căn cứ pháp luật, trái Luật Đất đai 1993 (hiện quy định tại khoản 1 Điều 136 Luật Đất đai 2003).

Trong vụ này, án sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu của ông Kiệt là không đúng pháp luật. Án phúc thẩm hủy án sơ thẩm với lý do “không yêu cầu người khởi kiện sửa đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện” là máy móc, không cần thiết, kéo dài việc giải quyết án. Bởi lẽ trong quá trình giải quyết, cấp sơ thẩm đã làm rõ yêu cầu của gia đình ông Kiệt là hủy bỏ quyết định ban đầu (Quyết định số 829) của chủ tịch UBND huyện Thuận An.

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm