Các điểm du lịch nhếch nhác

Phòng tắm không có cửa!

Đảo Tuần Châu đã khá nổi tiếng với việc tổ chức các sự kiện văn hóa lớn, là điểm đến của các tour du lịch. Vậy mà nhà tắm nơi này không có cửa. Tắm biển xong, du khách cần tắm lại nước ngọt và thay đồ tắm thì không biết phải tìm nơi nào cho kín đáo.

Bãi biển nào có khách du lịch tới tắm đều có dịch vụ cho thuê nhà tắm để thay đồ và tắm nước ngọt. Trên một số bãi biển, dân địa phương có cung cấp dịch vụ thay đồ và tắm nước ngọt. Cho dù là lều tắm, họ cũng bố trí một tấm phên hoặc  một tấm nylon để che kín. Vậy mà một khu du lịch nổi tiếng như Tuần Châu lại không làm cửa nhà tắm thì quả là một chuyện trái khoáy.

Một dãy phòng tắm trần trụi với hoa sen phun nước tít trên cao. Phòng không có móc treo quần áo, thay vào đó là vài thanh tre gác ngang qua hai bức tường làm giá để đồ, quá cao đối với những ai có chiều cao khiêm tốn. Nếu không can đảm thoát y trong một căn phòng không cửa giữa nơi đông người qua lại, khách phải vào nhà vệ sinh gần dãy nhà tắm. Nhà vệ sinh có cửa nhưng vẫn không có móc treo quần áo. Chỗ vệ sinh thiết kế theo kiểu ngồi xổm, sàn đẫm nước, bốc mùi hôi thối. Khi thay đồ, khách phải tự mang, máng tất cả mọi thứ từ quần áo mặc ngoài tới đồ lót, khăn tắm... trên người trong khi thực hiện các thao tác thay đồ, nếu không muốn đặt chúng xuống sàn nhà bẩn. Nhà tắm không có cửa nên khi đang tắm, du khách có thể bị ai đòi vào tắm chung mà không thể từ chối. Các phòng tắm đều rất đông người và du khách phải chấp nhận chuyện tắm chung.

Du khách phải mua vé vào khu du lịch Tuần Châu. Muốn sử dụng nhà tắm để thay đồ tắm hoặc tắm nước ngọt, khách cũng phải mua vé. Tại sao khu du lịch không trích một phần doanh thu để làm cửa nhà tắm để đảm bảo sự kín đáo riêng tư cho du khách? Chắc chắn là khu du lịch không tiết kiệm tiền. Tôi nghĩ mãi mà không hiểu nổi tiêu chí phục vụ khách và kinh doanh du lịch nơi đây.

Nhà vệ sinh trước đền thờ vua!

Đến cố đô Hoa Lư (Ninh Bình), tôi bất ngờ “đụng” một nhà vệ sinh nằm chình ình tại bãi đất trống trước đền thờ vua Đinh. Nhà vệ sinh rất đắc địa vì nằm ngay bãi đậu xe trước đền thờ. Khách Tây, khách ta sau nhiều giờ liền ngồi mệt mỏi trên xe, bước xuống xe thì đều cần nhà vệ sinh trước nhất.

Nhà vệ sinh trước đền thờ vua trông bề ngoài nhếch nhác, chắc là của một người dân nào đó dựng lên để kiếm tiền lẻ. Bên trong nhà vệ sinh rất tồi tàn, bẩn thỉu. Khách liều nhắm mắt bước chân vào đó cho nhanh rồi ra. Ra khỏi nhà vệ sinh, khách nào cũng nhăn mặt kêu ca phàn nàn. Khách nước ngoài thì giữ vẻ thản nhiên vì quen coi đây là chuyện đương nhiên.

Đối với người Việt Nam, khu di tích lịch sử Hoa Lư là nơi tôn nghiêm. Mọi người tới đó đều có tấm lòng sùng mộ vị vua Đinh Tiên hoàng oai hùng của dân tộc. Ai cũng mong muốn mọi thứ trong khu di tích đều được chăm chút cẩn thận. Thế nhưng nhà vệ sinh nói trên lại nằm trong khu di tích! Tài liệu Wikipedia cho biết: “Khu di tích lịch sử cố đô Hoa Lư hiện nay có diện tích tự nhiên 1.387 ha, thuộc địa bàn tỉnh Ninh Bình” và “Quần thể di tích này đã được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam quyết định khoanh vùng bảo tồn”. Với một vai trò như thế, khu di tích không thể chấp nhận một nhà vệ sinh nhếch nhác, bẩn thỉu như hiện có. Không hiểu ngành văn hóa du lịch thể thao ở đây làm ăn ra sao?

Chẳng lẽ ta cứ để cho người nước ngoài nghĩ rằng du lịch Việt Nam là bắt buộc phải chịu đựng những cảnh nhếch nhác?

NGỌC HƯƠNG
(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 11-2009) 


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm