Chém người, đưa đi cấp cứu, có được giảm nhẹ tội?

ý kiến cho rằng phải coi đây là tình tiết giảm nhẹ, còn quan điểm khác bảo phải xử lý bình thường.

Do có mâu thuẫn với nhau từ trước nên Nguyễn Văn Hòa nhiều lần tìm L. để trả thù nhưng không gặp. Ngày 11-7-2010, trong lúc Hòa cùng gia đình đang ngồi ăn uống thì L. vác mã tấu tìm tới dọa chém.

Thấy máu nên đưa vào bệnh viện

Thấy vậy, Hòa chạy vào bếp lấy dao rồi tấn công L. Em Hòa cũng giúp sức cho anh khiến L. không thể chống cự nên bỏ chạy. Hai anh em Hòa đuổi theo nhưng khi gặp, thấy L. đang đứng nép trong một góc tường, cả người có nhiều vết thương, máu chảy nhiều nên hai anh em không đánh nữa, cùng nhau đem L. đi cấp cứu.

Xét hành vi của hai anh em Hòa là hung hăng, chỉ vì mâu thuẫn nhỏ mà vác dao chém nạn nhân gây thương tật 24% nên TAND huyện Bến Cát (Bình Dương) tuyên phạt Hòa 34 tháng tù, em Hòa 24 tháng tù cùng về tội cố ý gây thương tích.

Không đồng tình, hai bị cáo kháng cáo cho rằng nếu hai bị cáo không đưa nạn nhân đi bệnh viện biết đâu nạn nhân sẽ gặp nguy hiểm đến tính mạng. Do vậy, hành động trên của hai bị cáo đã có động tác ngăn chặn, giảm bớt tác hại của tội phạm. Hai bị cáo xin tòa xem xét giảm án.

Chém người, đưa đi cấp cứu, có được giảm nhẹ tội? ảnh 1

Không là tình tiết giảm nhẹ

Mới đây, TAND tỉnh Bình Dương đã đưa vụ án ra xét xử. Tại phiên tòa, luật sư bào chữa cho hai bị cáo bảo khi chạy đi tìm đánh L. thì ý thức của các bị cáo là tiếp tục gây án, tiếp tục gây thương tích cho nạn nhân. Tuy nhiên, khi phát hiện người bị hại bị thương tích chảy máu, các bị cáo ngay lập tức dừng lại và đưa người bị hại tới bệnh viện. Đây là động thái tích cực và các bị cáo đáng được hưởng tình tiết giảm nhẹ là đã ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của tội phạm theo điểm a khoản 1 Điều 46 BLHS.

Công tố viên cho rằng nạn nhân vác dao tới nhà bị cáo để gây hấn là sai nhưng các bị cáo hoàn toàn có thể dùng biện pháp ôn hòa khác để giải quyết. Bởi nạn nhân dù có mang hung khí nhưng chỉ có một mình, còn phía bị cáo có cả gia đình, có cha mẹ, anh em… Việc bị cáo không tiếp tục đánh nạn nhân là do bị cáo thấy có lỗi chứ không hề ngăn chặn hay làm giảm bớt tác hại của tội phạm.

Đồng tình với ý kiến trên, TAND tỉnh Bình Dương nhận định hành vi của bị cáo là táo tợn, hung hăng nên đã y án sơ thẩm, không cho bị cáo hưởng tình tiết ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của tội phạm để giảm hình phạt.

Còn nhiều tranh cãi

Xoay quanh tình tiết trên đã có nhiều quan điểm trái chiều. Đại diện cho luồng quan điểm phải xem hành vi của hai bị cáo là tình tiết giảm nhẹ, luật sư Trịnh Thanh (Văn phòng luật sư Vì người nghèo) phân tích bị cáo chạy theo truy đuổi là nhằm tiếp tục gây án nhưng vì yếu tố khách quan là thấy nạn nhân chảy máu nên ngay lập tức các bị cáo đã làm chủ, ngừng ngay hành vi của mình. Nếu đặt trường hợp bị cáo không đưa nạn nhân đi cấp cứu mà tiếp tục gây án thì sẽ tăng thêm mức độ nguy hiểm đến sức khỏe của người bị hại. Do vậy hành vi của hai bị cáo rõ ràng phải được xem là tình tiết ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của tội phạm.

Trái ngược với quan điểm trên, một kiểm sát viên VKSND TP.HCM lại cho rằng quan điểm của hai cấp tòa là chính xác. Không thể xem việc các bị cáo đưa nạn nhân đi cấp cứu là tình tiết ngăn chặn... để giảm nhẹ. Trong trường hợp này, hai bị cáo chỉ không bị truy tố theo tình tiết tăng nặng là bỏ mặc hậu quả xảy ra mà thôi.

- Ngăn chặn tác hại của tội phạm là khi tội phạm đã được thực hiện và người phạm tội tự mình hoặc có sự tác động của khách quan nên đã bằng những khả năng có thể để ngăn chặn không cho tác hại của tội phạm xảy ra.

- Làm giảm bớt tác hại của tội phạm là khi tội phạm đã được thực hiện, tác hại của tội phạm đang xảy ra và người phạm tội tự mình hoặc có sự tác động khách quan nên đã bằng những khả năng có thể để không cho tác hại của tội phạm xảy ra.

Theo Sổ tay thẩm phán (TAND Tối cao)

Nên giảm nhẹ cho hai bị cáo

Theo tôi, bị cáo phải được hưởng tình tiết giảm nhẹ là ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của tội phạm. Bởi khi bị cáo cầm hung khí truy đuổi là ý thức bị cáo muốn tiếp tục gây án. Theo diễn biến tâm lý tội phạm, khi gặp người bị hại, bị cáo hoàn toàn có thể tiếp tục đánh, chém và bỏ mặc nạn nhân ở lại. Tuy nhiên, ở đây bị cáo dừng ngay hành vi và đưa nạn nhân đi chữa bệnh. Với hành động này, bị cáo không để hậu quả tiếp tục xảy ra và ngăn chặn tác hại xấu của vết thương mà trước đó mình đã gây ra.

Kiểm sát viên NGUYỄN THỊ ÉN,
VKSND quận Bình Thạnh, TP.HCM

Đã giảm bớt tác hại

Nếu bị cáo không đưa nạn nhân đi chữa bệnh thì tỉ lệ thương tật của nạn nhân có thể còn cao hơn, khả năng nguy hiểm tới tính mạng còn cao hơn. Bị cáo đã chủ động dừng ngay hành vi, không để hậu quả xảy ra thêm và đưa nạn nhân đi bệnh viện là ngăn chặn hậu quả xấu xảy ra. Vì lẽ đó, hoàn toàn có cơ sở nói bị cáo đã ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của tội phạm.

Luật sư TRẦN NGỌC QUÝ, Đoàn Luật sư TP.HCM

THANH BÌNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm