Đi xem Thai-League - Bài 1: Ngày hội bóng đá ở Bangkok

Chỉ sau 2 giờ bay, chúng tôi được Thai-League cho thấy một bức tranh bóng đá hoàn toàn khác.

Anh bạn thân Juti Kreitler - Giám đốc Quan hệ đối ngoại của Tập đoàn Đa truyền thông Siam Sport Syndicate (Thái Lan) - nghe các cầu thủ Thái Lan đang đá V-League tâm sự về một giải đấu tệ hại đã vội liên lạc và mời chúng tôi đến Bangkok xem thử không khí Thai-League. Và chúng tôi đã bỏ lại hai lượt đấu cuối V-League để mục sở thị Thai-League.

Mọi con đường đều dẫn đến sân bóng

Trận đấu mà chúng tôi chọn là Muangthong (đội bóng mà HLV Calisto từng dẫn dắt và hiện đội này đang dẫn đầu Thai-League) và Bangkok United (xếp 14/18 đội) diễn ra tại Bangkok. Lượt đi hai đội từng hòa nhau 1-1 trên sân của Bangkok United nhưng trận lượt về kết quả thật khó đoán, theo nhận định của nhiều fan Thái Lan.

Song mục đích chính của chúng tôi không chỉ là xem cuộc tỉ thí giữa hai đội bóng Thái, mà muốn tận mắt chứng kiến cách làm bóng đá chuyên nghiệp của người Thái dù họ xuất phát làm chuyên nghiệp sau Việt Nam nhiều năm.

16 giờ 30 xe đưa chúng tôi đến bên ngoài SVĐ Muangthong được xây dựng trên nền đất trống thuộc quận Muangthong Thani. Sân xây cách đây sáu năm bởi Tập đoàn Siam Sport Syndicate, với số tiền lên đến 300 tỉ bath (khoảng 9 triệu USD). Dù còn 2 giờ đồng hồ nữa mới đến giờ bóng lăn nhưng từ bên ngoài sân đã thấy hàng ngàn fans Muangthong mặc trang phục đỏ truyền thống của CLB lục đục kéo đến từ nhiều ngả đường. Lực lượng trật tự nhanh chóng tách từng dòng xe, dòng người ra khỏi nhau, xe vào khu VIP, xe fan Muangthong, xe Bangkok United, xe phóng viên, kỹ thuật viên, BTC, v.v… với thái độ thật niềm nở. Dưới cái nóng hầm hập và công việc với cường độ cao nhưng trên môi các nhân viên làm việc ở đất nước của nụ cười luôn là thái độ rất hòa nhã và lịch sự cùng tiếng “khap, khap, khap…” quen thuộc (giống như tiếng vâng, dạ, của chúng ta).

Đi xem Thai-League - Bài 1: Ngày hội bóng đá ở Bangkok ảnh 1

Tác giả (trái) và biểu tượng vui của CLB Muangthong. Ảnh: ANH HUỲNH

Fans Muangthong có khu vực tập trung riêng nơi phía sau cầu môn, thuộc khu khán đài Bắc. 2 giờ trước trận đấu, họ thao dượt lại các bài hát, nhịp điệu vỗ tay và tiếng trống. Các fans khác tranh thủ ăn uống nơi khu vực căn tin rất đẹp, sạch sẽ với giá cả rất ưu đãi để chuẩn bị sức trước giờ vào trận.

Tôn trọng “thượng đế”

Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là một không khí lễ hội đúng nghĩa, vui nhộn, đầy màu sắc (dù vẫn là màu đỏ tươi chủ đạo), âm thanh sôi động. Ngoài số fans mua vé cả mùa bóng (17 trận sân nhà), các fan còn lại xếp hàng mua vé rất trật tự tại hơn 10 điểm bán vé đặt quanh sân. Giá vé từ 100 bath, 150 bath, 250 bath… đến 5.000 bath. Cũng cần biết là loại vé 5.000 bath cho khu VIP, ngồi phòng máy lạnh, bao ăn uống thoải mái, có tivi xem trực tiếp trận đấu, xem lại có pha bóng hay…

Anh bạn thân Juti Kreitler tiết lộ thêm: “Đội bóng có 10 nhà tài trợ lớn như Tập đoàn Xi măng SCC, Yamaha, Coca Cola, bia Leo, I Mobbile, Toshiba, Cannon, bảo hiểm AIA, Grand Sport… Riêng nhà tài trợ lớn SCC đã mang về cho CLB 600 triệu bath và Yamaha là 200 triệu bath đều trong ba năm. Tuy nhiên, số tiền mang lại từ fan hâm mộ mới làm ông chủ Tập đoàn Ravi Lohtong hài lòng. Mỗi trận đội thu được 1 triệu bath từ tiền vé và hơn 1 triệu bath từ tiền bán trang phục, khăn, nón cổ động viên… Số tiền này nói lên cách làm bóng đá của ông là đúng đắn, được người hâm mộ tán thành...”.

Trao đổi với ông Ravi Lohtong bên lề trận đấu, ông nói: “Tôi hâm mộ bóng đá, thích CLB Manchester United nên từ màu trang phục CLB của tôi đến màu sân, các khán đài đều là màu đỏ tươi do tôi copy toàn bộ hình mẫu của đội bóng này mang về Muangthong FC. Chúng tôi vẫn còn đang hoàn thiện và học hỏi nhiều…”.

Ngay cả chuyện vệ sinh cũng là điều đáng nói. Từ trong ra ngoài sân đều được giữ sạch sẽ, từ ý thức gìn giữ của các fans đến việc nhà tổ chức sân cho xây rất nhiều nhà vệ sinh đúng chuẩn, tiện nghi phục vụ người hâm mộ. Juti nói: “Chúng tôi tôn trọng cổ động viên. Họ tôn trọng chúng tôi”. Đó là triết lý của sự phục vụ. Sau khi trận đấu kết thúc, hình ảnh làm chúng tôi cảm động nhất là toàn bộ các cầu thủ đi quanh sân chào khán giả, rồi dừng lại trước khu vực khán đài phía Bắc, đứng nghiêm nghe các fan đồng thanh hát bài truyền thống CLB (bài Ultra Muangthong), như lời tri ân những người đã cổ vũ họ suốt trận đấu không mệt mỏi và mọi lúc kể cả khi đội đang thắng hoặc lúc bị đối phương dẫn lại 2-1. Một hình ảnh rất hiếm thấy tại sân bóng Việt Nam. Lãnh đạo CLB này cho biết đó là văn hóa cộng đồng, văn hóa cổ vũ mà ở đây phải có sự đồng cảm, tôn trọng lẫn nhau giữa cầu thủ, đội bóng và khán giả được xem như những người thân, những người nuôi sống các cầu thủ...

Trận đấu giữa đội đầu bảng và đội xếp nhóm cuối quyết liệt ngay từ đầu, không chút khoan nhượng. Chủ nhà dẫn bàn 1-0 trong hiệp một nhưng bị gỡ hòa 1-1 ngay đầu hiệp hai. Càng về cuối hai đội chơi càng lúc càng nhanh. Bangkok United bất ngờ dẫn lại 2-1 khi trọng tài thông báo 5 phút bù giờ. Kịch tính là ở đây, chỉ trong vòng 2 phút cuối trận, Muangthong ghi liền hai bàn thắng, giành trọn 3 điểm từ tay Bangkok United trong tiếng reo hò của 12.000 cổ động viên trên sân. Nhiều người ôm nhau khóc nức nở vì sung sướng trên khán đài. Bất giác tôi nhìn về hướng khán đài đội khách, họ lặng thinh, không một chai nước, một cái ly (dù BTC cho mang vào sân) hay “vật thể lạ” mà chúng ta thường dùng một cách xấu hổ tại V-League ném vào sân. Đó cũng là thứ văn hóa cổ vũ đáng học tập.

Thai-League đã một lần thất bại và làm lại bằng phiên bản mới

Thai-League ra đời sau V-League và cũng đã có lần thất bại nhưng điều quan trọng là người Thái biết sửa sai qua phiên bản 2.0 thay cho bản lỗi.

Thai-League bản 1.0 chỉ quanh quẩn các đội ở Bangkok và thất bại bởi việc nâng cấp lên chuyên nghiệp mà không nâng chất (giống V-League). Đó là lý do những năm 2002, 2003, hàng loạt tuyển thủ Thái bỏ Thai-League chạy qua tìm việc ở V-League.

Đến năm 2008 thì phiên bản Thai-League 2.0 ra đời với tên đầy đủ là Thai Premier League. Để chuẩn bị cho phiên bản mới này, LĐBĐ Thái Lan trước đó đã đưa Tổng Thư ký Ong Art Kosingkha sang Anh học hỏi tổ chức giải chuyên nghiệp. Về nước tổ chức giải, ông này còn mời cả chuyên gia Anh và trưởng ban tổ chức giải ngoại hạng Anh làm tư vấn.

Đi xem Thai-League - Bài 1: Ngày hội bóng đá ở Bangkok ảnh 2

Sân bóng ở Thai-League 2.0 luôn đông nghẹt khán giả không thua gì các trận đấu ở Anh. Ảnh: HÙNG HUYỀN

Thai-League 2.0 lan tỏa rất nhanh đến nhiều nơi trong quốc gia chứ không gói lại trong Bangkok. Họ tổ chức rất bài bản ngay từ các CLB và lực lượng cổ động viên, HLV chuyên nghiệp và đặc biệt là chú ý mảng khai thác thương mại.

Người có công nhất trong bước đột phá Thai-League phiên bản 2.0 là Tổng Thư ký Ong Art Kosingkha đã đào tạo và phát triển hàng loạt CEO cho các CLB và đây chính là đầu ra cho việc phát triển thương mại của từng đội bóng. Họ đi đúng theo cách làm của các CLB Anh.

Năm 2012 tính bình quân các CLB Thái Lan đạt lợi nhuận 1,35 triệu USD. Riêng các CLB mạnh như Muangthong, Buriram, Chonburi có lợi nhuận lên đến 5 triệu USD. Bảng tổng kết của Thai- League Co. mùa bóng 2012 đưa ra con số lợi nhuận tiếp tục lạc quan ở mùa 2013 khi có nhiều doanh nghiệp Mỹ và Nhật nhảy vào Thai-League khi sân bóng luôn đầy ắp khán giả với đủ loại hình đúng kiểu bóng đá Anh.

TẤN PHƯỚC

MINH HÙNG

Đón đọc kỳ tới: Mối quan hệ giữa CLB, nhà tài trợ và khán giả

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm