LẠM DỤNG KHÁNG NGHỊ GIÁM ĐỐC THẨM - BÀI CUỐI

Giải pháp để kháng nghị đúng và trúng

Theo TS Nguyễn Văn Tiến (giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM), muốn minh bạch và làm cho việc kháng nghị giám đốc thẩm đi vào thực chất, không còn cách nào khác là không ngừng hoàn thiện các quy định liên quan, điều chỉnh sát sao, chặt chẽ quá trình tiếp nhận, xem xét, ra văn bản, quyết định giải quyết yêu cầu khiếu nại xin giám đốc thẩm từ phía đương sự. Các quy định này càng cụ thể càng tốt.

Hướng dẫn chi tiết hơn

Ông Tiến cho rằng trước mắt nên có một thông tư liên tịch của TAND Tối cao, VKSND Tối cao hướng dẫn chi tiết hơn các vấn đề liên quan đến trình tự, thủ tục, thẩm quyền ra văn bản, quyết định để người thực thi cứ thế mà làm. Chẳng hạn, cần quy định rõ đơn khiếu nại giám đốc thẩm thì nơi nào tiếp nhận, nhận trực tiếp, nhận qua đường bưu điện; nơi nào xem xét bước đầu, thời hạn báo cáo, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền quyết định; kháng nghị hay không kháng nghị thì thông báo cho đương sự ra sao; thời hạn ra văn bản trả lời, ra quyết định kháng nghị; cách thức tống đạt quyết định kháng nghị; thời hạn tối đa từ ngày ký đến ngày gửi…

Một kiểm sát viên VKS TP.HCM cho biết hiện có tình trạng bộ phận tiếp nhận, nghiên cứu đơn khiếu nại giám đốc thẩm của tòa, VKS có khi không nghiên cứu hồ sơ mà chỉ đọc qua đơn và bản án rồi trả lời đương sự. Cho nên trong văn bản gửi đương sự thường có những câu trả lời chung chung, theo mẫu như: “Chúng tôi có nhận được đơn xin cứu xét giám đốc thẩm của ông (bà) ngày… Sau khi nghiên cứu hồ sơ chúng tôi thấy không có cơ sở để giải quyết theo yêu cầu của ông (bà)…”.

Theo kiểm sát viên này, phải bổ sung quy định với những trường hợp không chấp nhận đơn khiếu nại, không kháng nghị giám đốc thẩm thì TAND Tối cao, VKSND Tối cao phải trả lời, giải thích rõ lý do cho đương sự biết. Làm được điều đó, theo vị này, sẽ giảm rất nhiều các trường hợp khiếu nại tiếp, khiếu nại dai dẳng dù đơn đã bị bác một cách thuyết phục. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng với khối lượng đơn khiếu nại quá lớn mà TAND Tối cao, VKSND Tối cao tiếp nhận, chuyện trả lời cụ thể từng trường hợp là khó khả thi.

Giải pháp để kháng nghị đúng và trúng ảnh 1

Thời hiệu kháng nghị ngắn hơn

Ông Võ Thành Danh (Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự quận 8, TP.HCM) và luật sư Trần Hải Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM) đều nhận xét thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm là ba năm như hiện nay là quá dài, nên rút xuống còn khoảng một năm là đủ.

Theo hai ông, rút ngắn thời hạn kháng nghị sẽ hạn chế được tình trạng bản án đã thi hành xong lại có kháng nghị giám đốc thẩm, dẫn đến hủy án, lật án, kéo theo nhiều hệ quả rắc rối như đã nêu trong bài trước. Thông thường, sau phiên tòa phúc thẩm, đương sự thua kiện bức xúc thì họ sẽ khiếu nại giám đốc thẩm ngay. Không cớ gì lại quy định cho kéo dài thời gian khiếu nại, kéo dài thời gian xem xét kháng nghị!

Có chế tài với người làm sai

“Hiện nay, trường hợp thẩm phán cấp huyện, cấp tỉnh bị hủy án, sửa án thì sẽ ảnh hưởng đến thành tích thi đua. Thế nhưng những người ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm hay xử giám đốc thẩm sai lại không bị bất cứ hình thức chế tài nào là không công bằng” - Thẩm phán Hoàng Văn Hải (Phó Chánh án TAND tỉnh Tây Ninh) đặt vấn đề.

Thẩm phán Hải cho rằng pháp luật tố tụng nên có quy định về việc này để đảm bảo “người làm sai phải chịu trách nhiệm về cái sai của mình”. Chế tài càng cụ thể thì người có thẩm quyền càng phải nâng cao trách nhiệm, cẩn trọng xem xét kỹ, tránh được những trường hợp kháng nghị thiếu căn cứ thuyết phục.

Đồng tình, TS Nguyễn Văn Tiến bổ sung: Chế tài này không chỉ mang tính kỷ luật nội bộ của ngành. Thậm chí người kháng nghị thiếu căn cứ cũng phải bị xem xét về nghĩa vụ bồi thường cho đương sự bị thiệt hại.

Có cơ chế giám sát chặt chẽ

“Thực trạng giải quyết khiếu nại xin giám đốc thẩm, có trường hợp chính đáng nhưng cứ phải chờ đợi trong vô vọng, như mò kim đáy bể,có trường hợp lại được chấp nhận quá dễ dàng.Nếu tình trạng “dè sẻn” kháng nghị còn kéo dài, các sai sót của những bản án đã có hiệu lực pháp luật không được sửa sai, khắc phục kịp thời, công lý, công bằng sẽ không được bảo đảm, để làm cho người dân ít nhiều mất lòng tin vào pháp luật, vào phán quyết của tòa án. Ngoài ra, nếu không có biện pháp khắc phục, không hạn chế, giảm bớt đến mức có thể những kháng nghị tùy tiện, không có căn cứ thuyết phục… sẽ gây nghi ngờ về những tiêu cực, nhất là đối với các bộ phận nghiệp vụ liên quan trong quá trình xem xét, ra kháng nghị” - luật sư Trần Công Ly Tao (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM) nói.

Luật sư Tao đề nghị về lâu dài nên lập một cơ quan độc lập giám sát hoạt động giám đốc thẩm của ngành tòa án. Cơ quan này phải thực sự độc lập, không bị phụ thuộc bởi ngành tòa án. Có cơ chế giám sát hữu hiệu sẽ góp phần giúp thủ tục giám đốc thẩm phát huy tác dụng đích thực của nó trong khuôn khổ pháp luật, bảo đảm pháp chế...

Bản án phải là tiếng nói của công lý

Hiện nay lòng tin của dân ta đối với hoạt động tư pháp có sự giảm sút so với trước. Trong xã hội xuất hiện thuật ngữ “chạy án”. Tôi nghĩ rằng trong đời sống mà còn “chạy” được án thì không có gì mà không “chạy” được. Bởi lẽ “chạy án” là loại “chạy” khó nhất, phải vượt qua những thủ tục tư pháp phức tạp, chặt chẽ, qua nhiều khâu, nhiều người, có sự chế ước, kiểm soát lẫn nhau… Điều đó chứng tỏ con người không tin vào bản án họ mới “chạy” và họ tin rằng sẽ “chạy” được. Nếu hiện tượng “chạy án” có thực và có người “chạy” được thì lòng tin vào công lý, vào lẽ công bằng ở đời này không còn nữa.

Mặt khác, theo báo cáo của TAND Tối cao, hầu hết các bản án sơ thẩm đều bị chống án, bản án đã có hiệu lực pháp luật đều yêu cầu xem xét giám đốc thẩm. Tình trạng đó có nguyên nhân từ lòng tin vào bản án bị giảm sút, thiếu sự tâm phục khẩu phục.

Vậy phải xây dựng, củng cố lòng tin của nhân dân đối với hoạt động tư pháp như thế nào? Trước hết, bản án phải là biểu hiện điển hình của lòng tin vào công lý, vào lẽ công bằng trong hoạt động tư pháp. Đây là nhân tố cực kỳ quan trọng để thiết lập lòng tin vào nền tư pháp quốc gia...

GS-TS TRẦN NGỌC ĐƯỜNG, Viện Nghiên cứu Lập pháp 

Xử lại “án đụng trần” cũng là cách

Theo tôi, việc pháp luật tố tụng sửa đổi cho một cơ chế đặc biệt để xem xét lại những quyết định giám đốc thẩm có sai lầm nghiêm trọng cũng là một cách hạn chế tình trạng lạm dụng. Bởi nếu người có thẩm quyền ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm sai, xử giám đốc thẩm sai thì cũng có khả năng sẽ bị xem xét lại. Tuy nhiên, cạnh đó vẫn phải quy định các biện pháp chế tài đủ mạnh để nhắc nhở những người lạm quyền, ra kháng nghị sai.

Kiểm sát viên cao cấp VÕ VĂN THÊM,
Viện Phúc thẩm III VKSND Tối cao

Xét xử chọn lọc

Mỗi năm TAND Tối cao chỉ nên chọn 120-150 vụ việc để xem xét giám đốc thẩm. Việc xét xử phải có điểm dừng, không phải cứ có kiến nghị, cứ có khiếu nại là xem xét hết.

Luật sư PHẠM HỒNG HẢI,
Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam

Đã thi hành án thì không nên kháng nghị

Với những vụ đã thi hành án xong rồi thì không nên kháng nghị giám đốc thẩm để đảm bảo tính ổn định của bản án và tránh rắc rối, phức tạp về sau. Ngoại trừ những trường hợp thật sự cần thiết như liên quan đến tính mạng con người hoặc ảnh hưởng đến nhiều người thì mới nên lật lại.

Luật sư CAO MINH TRIẾT, Đoàn Luật sư tỉnh Tiền Giang 

THANH TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm